Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Anh long leo an ninh cua khau

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20111125-chinh-phu-anh-gap-kho-khan-truoc-lan-song-nhap-cu-bat-hop-phap


Nước Anh lỏng lẻo an ninh cửa khẩu vào tuần sau vì đình công

Lê Hải, RFI

Tin cảnh sát Pháp phá vỡ hai đường dây đưa người từ châu Âu vào Anh chắc chắn sẽ làm những ai lo ngại về làn sóng dân nhập cư bất hợp pháp được an ủi đôi chút, nhưng xét trong tình hình thời sự nước Anh hiện nay, thì tin đó không hề giúp chính phủ và bộ nội vụ Anh lạc quan thêm được chút nào. Chưa hết làn sóng chỉ trích chuyện các cửa khẩu bỏ bê kiểm tra giấy tờ liên tục được nhắc trước quốc hội suốt tuần qua, giờ là mối lo cửa khẩu không có người làm việc do nhân viên thuế quan và biên phòng đình công vào tuần tới. Theo các con số mới nhất thì lượng dân nhập cư vào Anh không giảm xuống còn dưới 100.000 mỗi năm theo lời hứa tranh cử của thủ tướng David Cameron, mà còn có nguy cơ tăng lên với con số trên 250.000 như mới được báo chí phát hiện hồi sáng nay. Bộ máy của cơ quan chuyên trách xuất nhập cảnh UKBA cũng vừa xấu mặt với thêm một vụ làm thất lạc hồ sơ xin thẻ định cư, phải bồi thường tiền vì không tìm ra quyển hộ chiếu của khách hàng.

Hồi năm ngoái, trong một ngày đình công ở cửa khẩu, riêng cảng Calais có trên 300 xe tải và hành khách đi vào nước Anh mà không bị kiểm tra, và người ta tính ra có chừng 13.000 người nhập cảnh mà không bị xét hộ chiếu trong ngày hôm đó. Calais là nơi tập trung nhiều người nước ngoài không có giấy tờ chờ tìm cơ hội trốn vào nước Anh, tỏa đi các ngã tìm việc làm. Người Việt thường đi làm nail, tức là nghề chăm sóc móng tay, hay nuôi giữ trẻ, phụ bếp, và nhanh chóng kiếm tiền nhất là nghề trồng cỏ, tức là chăm sóc các vườn cần sa bất hợp pháp trong nhà. Khi bị phát hiện trên đường vượt biên vào Anh họ chỉ bị đuổi ngược trở lại nước Pháp, cho nên rất nhiều người tập trung trên đường xuống cảng Calais, chờ xe tải nào dừng lại ngủ qua đêm là chui vào để trốn vào nước Anh. Trường hợp bị phát hiện thì họ lại ra khỏi cảng, quay ngược lại chờ xe khác cầu may, cho đến khi nào vào được nước Anh thì thôi. Có trường hợp chui vào nhầm xe, khi bước ra thì là Norway hay Thụy Điển rồi. Sau một đợt dọn dẹp các khu lán trại làm mất mỹ quan, hầu như cảnh sát Pháp không có hành động gì thêm và biên phòng Anh cũng không có cách nào giải quyết triệt để hay siết chặn biên giới cả. Có những người Việt Nam sống bất hợp pháp ở Anh, bị phát hiện trong các cuộc kiểm tra, bị đưa vào trại và được 2 nhân viên an ninh áp tải sang tận Malaysia để giao trả cho Việt Nam, nhưng chỉ vài tháng sau UKBA lại phát hiện anh ta đã có mặt ở Anh trở lại.

Đó là nói về con đường di dân bất hợp pháp, còn hệ thống kiểm tra di dân hợp pháp cũng không khá gì hơn. Biên phòng Anh cử người sang tận các cửa khẩu xa để ngăn chặn, đầu tư tiền để nâng cấp hiểu biết của nhân viên về các nước có nhiều dân di cư và hay dùng hộ chiếu giả. Có lần đi về Anh bằng tàu TGV Eurostar tôi đã gặp một nhân viên da trắng của bộ nội vụ chào hỏi bằng tiếng Việt rất rõ ràng vì anh này từng có thời gian đi tìm hiểu ở Việt Nam. Những ai từng đi xin visa vào nước Anh cũng biết là hệ thống thủ tục rất khó khăn, tưởng như không dễ dàng nhập cảnh vào đất nước này nếu không có lý do chính đáng. Bộ máy cũng được cải tiến, đưa quyền cấp visa ở vùng Đông Nam Á về Thái Lan và lắp thêm các hệ thống lấy dấu vân tay, kiểm tra giấy tờ giả v.v. Thế nhưng mới gần đây người ta lại phát hiện ra kẽ hở chính là các nhân viên trong đó. Có người ăn hối lộ để nhắm mắt ký duyệt cho các hồ sơ nhập cư. Có bộ phận nhận hồ sơ rồi thì không còn biết cất ở đâu nữa, đương sự xin lại hộ chiếu thì không tìm ra để mà trả. Nổi tiếng nhất là vụ UKBA quên mất nửa triệu bộ hồ sơ xin tị nạn trong kho suốt nhiều năm liền. Bây giờ UKBA lại tiếp tục bị cắt giảm nhân viên theo chính sách chung của chính phủ, thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách, cho nên càng không biết bộ máy này sẽ hoạt động ra sao. Gần đây báo chí tiếp tục phanh phui là các lãnh sự quán của Anh ở nước ngoài vì giảm nhân sự mà phải thuê các công ty tư nhân ở Thụy Sĩ hay Mỹ giúp phân tích và xét duyện hồ sơ xin visa. Và để đối phó với cuộc đình công của UKBA vào tuần sau, người ta đang định nhờ một công ty dịch vụ an ninh vô làm thay, cùng với một số công chức văn phòng tình nguyện muốn thử làm sĩ quan biên phòng.

Các con số thống kê mới nhất mà báo chí sáng nay đăng tải cũng không sáng sủa gì hơn cho chính phủ Anh. Tờ Guardian chơi chữ khi nói bà bộ trưởng nội vụ Theresa May sẽ mất tinh thần (dismay), mà ý là nhắc đến nguy cơ bà có thể phải từ chức, vì chỉ số trục xuất người bị từ chối cho tị nạn lại tiếp tục giảm thêm 13%, thay vì tăng lên như lời hứa, khiến lượng người rơm tồn đọng tiếp tục gia tăng. Con số người chênh lệch giữa nhập cư và di cư của năm ngoái là 250.000, còn xa mới đạt được chỉ tiêu 100.000 mà thủ tướng David Cameron từng cam kết khi tranh cử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét