Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Happy New Year

Chúc các bạn đang ở trong trại một đêm giao thừa ấm áp tình người và một năm mới nhiều hi vọng. Chúc các bạn đang chờ giấy tờ có một năm mới sớm đạt được mong ước và có thời gian cho gia đình và con cái. Với những kinh nghiệm và các vụ thắng kiện trong năm qua, NgườiRơmUK hi vọng sẽ tiếp tục giúp đỡ thêm được nhiều bạn trong năm mới đầy hi vọng 2012 này.

Hiện nhờ được một số mạnh thường quân giúp đỡ về tài chính, ấn bản đầu tiên của tài liệu giải thích về qui trình xin tị nạn đã in xong, và ưu tiên cho các bạn nào đang bị giữ trong trại. Xin mời liên lạc với số máy 07854-920-023 để nhận sách miễn phí gửi trực tiếp vào trại cho bạn.

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Chuyen 3 nguoi

Chuyện Ba Người
Một buổi sáng an bình tại một ngôi làng nhỏ nằm cách London khoảng 100 dặm về hướng bắc. Có ba người đàn ông Việt Nam vừa nhảy khỏi xe tải sau chuyến vượt biên thành công từ Pháp sang. Sau 24 giờ đồng hồ đói và khát, phải tìm đường trong giá lạnh, họ đã mắc sai lầm ngay trong những giờ đầu tiên trên đất Anh, đó là tự tiện xông vào bấm chuông nhà một người nông dân để hỏi đường về London, nhờ gọi taxi, và còn đòi vào bếp nhà người ta để xin nước uống. Ngay sau đó xe cảnh sát đã đến và bắt cả ba người về đồn, giam một đêm chờ sĩ quan biên phòng đến lấy khẩu cung. Tiếp theo đó thì một người bị đưa ngay vào trại chờ ngày bay ngược về Việt Nam, một người được thả ra để hàng tuần đi ký, và một người được đưa về khách sạn bình dân, xếp lịch hẹn gặp cán bộ xã hộI và luật sư miễn phí để làm thủ tục ở lại. TạI sao số phận của họ lạI khác nhau đến như vậy? Đó là vì ngườI thứ nhất đã có sẵn tên trong hệ thống để trục xuất, người thứ hai mới lần đầu tiên vào đây, và người thứ ba do tính theo năm sinh thì chưa đủ 18 tuổi.

Nhưng cả ba người này đều giống nhau ở một điểm, là sớm hay muộn gì thì họ cũng đều bị đưa trở về Việt Nam và không có cơ hội gì để ở lại đi làm trả nợ số tiền đã vay để nộp cho đường dây. Bởi vì, khi được sĩ quan biên phòng thẩm vấn có ghi âm ghi hình (thực ra chỉ cần ghi lại biên bản cuộc thẩm vấn bằng văn bản có đương sự ký là đủ) họ đều nói lý do duy nhất sang Anh là “đi lao động” (job seeker), chứ không phải là “xin tị nạn” (asylum seeker). Nếu bạn ở trong tình trạng như một trong ba người nọ thì hãy lật luôn sang bìa cuối của tập sách này để lấy thông tin của tổ chức IOM chuyên giúp tiền vé máy bay miễn phí cho những ai muốn trở về nguyên quán, và còn cho thêm tiền để bắt đầu lại cuộc sống mới trên quê nhà.

Giải thích về qui trình xin và xét qui chế tị nạn đã được chúng tôi trình bày trong ấn bản dang được NgườiRơmUK phát hành vào đầu năm 2012. Quí vị có thể liên lạc với số máy 078540-920-023 để tìm đọc. Trân trọng cám ơn các mạnh thường quân đã tài trợ tài chính để ấn bản này sớm được hoàn thành. Từng phần nội dung cũng sẽ được đăng dần trên trang này.

Nếu tình cờ bạn đọc được văn bản này từ Việt Nam thì nên suy tính lại cho kỹ trước khi đem cả gia tài ra đóng cho đường dây, vì kinh tế Anh đang suy thoái, khó kiếm việc, và ngày càng có nhiều shop nail và nhà hàng bị kiểm tra.

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Pha duong day dua nguoi

Báo Việt Nam đưa tin phá đường dây đưa người sang Pháp.

http://sggp.org.vn/phapluat/2011/12/276312/

Lãnh án vì đưa trẻ em ra nước ngoài trái phép
Thứ bảy, 17/12/2011, 02:19 (GMT+7)
(SGGP).- Ngày 16-12, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Trần Văn Xuân (SN 1977, ngụ tỉnh Quảng Ninh) mức án 3 năm tù về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

Bị cáo Xuân là một trong những thành viên nằm trong đường dây đưa trẻ em Trung Quốc vào Việt Nam, sau đó chuyển tiếp sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh rồi giao cho một đường dây khác để đưa tiếp các em sang Pháp.

Tổng cộng đường dây này đã vận chuyển 58 trẻ em ra nước ngoài trái phép. Khi đường dây bị triệt phá, 7 đồng bọn của Xuân bị bắt và đã bị TAND TPHCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt từ 2 đến 6 năm tù. Riêng Xuân bỏ trốn, đến tháng 6-2011 mới bị bắt theo lệnh truy nã.

A. CHÂN

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Tuyet thuc duoc cho quyen ti nan

Ba người tị nạn Iran bị từ chối sau 37 ngày tuyện thực trước văn phòng của UKBA Lunar House ở Croydon nay đã được cấp quyền tị nạn, theo tin từ báo địa phương.


Tờ báo đăng hình ba ông Keyvan 30 tuổi, Mehran 20 tuổi và Mahyar 17 tuổi, trước đó đến xin tị nạn với lý do là thành viên của tổ chức Làn sóng tiếng nói Xanh, lập ra sau cuộc biểu tình chống tổng thống Ahmedinejad, và bị cảnh sát bắt giam, tra tấn và hãm hiếp.

Họ đã trốn khỏi nhà tù, sang Thổ Nhĩ Kỳ, trốn trong xe công-ten-nơ 17 ngày để vào Anh, nhưng cuối cùng luật sư do Bộ nội vụ cử ra làm việc cho họ không cung cấp đủ bằng chứng về thương tích cho tòa di trú.

Khi bị bác đơn họ đã dựng lều và tuyệt thực trước cửa tòa nhà Lunar House ở Croydon phía nam London, nơi thường được coi là trung tâm giải quyết các hồ sơ tị nạn trên toàn nước Anh.

Đến ngày thứ 37 thì luật sư Hani Zubeidi, lãnh đạo văn phòng luật Fadiga&Co quan tâm đến họ và can thiệp.

"Một người có vết thương lớn ở sau lưng vậy mà chưa bao giờ được đưa ra cho quan tòa di trú xem".

Sau khi tờ báo Advertiser đưa tin, nghị sĩ của Croydon Gavin Barwell cũng can thiệp và nhắc đến các vết thương trên người là bằng chứng rõ nhất đã bị bộ nội vụ bỏ qua khi xét đơn tị nạn của họ.


Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Nguy co tu loi khai ti nan

Người xin tị nạn sau khi bị bắt trong lúc đang làm việc thường khai là được chủ tiệm nail hay nhà hàng đó cho ăn và cho chỗ ở.

Thế nhưng kiểu khai đó thường kéo theo một trách nhiệm pháp lý cho người chủ nọ, như trường hợp một người Ấn Độ có quán take-away ở Cumbria mà tờ News&Star vừa chạy tin.


Người chủ Khandaker Mohammad Wahiduzzaman bị nêu tên tuổi và đăng ảnh lên báo sau khi tòa Carlisle Crown Court phán quyết ông phải ngồi tù 23 tháng sau khi nhận là có thuê người rơm làm việc.

Theo tin, ông Wahiduzzaman năm nay 50 tuổi, sống ở Fell View, Moresby Parks, Whitehaven, còn tiệm ăn Anamika Tandoori của ông thì ở Cleator Moor.

Hồi tháng Ba khi người của UKBA đến kiểm tra hai lần thì ông ta đang thuê 3 người Bangladesh không có giấy tờ cư trú ở Anh.

Trước đó, vào tháng Bảy 2010 ông ta từng bị UKBA phạt 12.500 bảng cũng về tội thuê người rơm làm việc.

Các cơ quan UKBA ở khắp nơi đang có chiến dịch truy bắt và phạt nặng những cơ sở thuê mướn người rơm, và với các bằng chứng như điều kiện chỗ ở không đủ tiêu chuẩn, người rơm khai là không được trả lương và chỉ cho ăn, thì họ có thể đưa vụ việc sang cảnh sát, khởi tố ra tòa và bỏ tù người chủ.

Báo cáo thành tích trong vụ này, sĩ quan điều tra của UKBA North-West Immigration Crime Team Dave Stalker nói: "Đây là ví dụ về một người coi thường luật pháp, kiếm tiền bằng cách thuê người rơm mà trả lương rất ít hoặc không trả lương, cho ăn ở trong điều kiện tồi tệ".

"Wahiduzzman kiếm tiền bằng cách lợi dụng nhân viên và trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội (NI) mà những người lao động hợp pháp khác bắt buộc phải trả. Vấn đề này được chúng tôi xử lý triệt để và hợp tác với cảnh sát để đối phó hiệu quả với tình trạng này."

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Bat tiem nail VN

Hai tiệm nail của người Việt ở Glasgow vừa bị UKBA ập vào kiểm tra vào sáng nay, và tin ban đầu cho biết có tổng cộng 9 người rơm VN bị đưa vào trại.

Tin ban đầu xác nhận đây là hai tiệm nail dù nằm cách nhau 6miles nhưng là của cùng một gia đình, một do chồng đứng tên và một do vợ đứng tên.

Theo tin tức mới nhất được CTV của NgườiRơmUK ở phía Bắc nước Anh báo về thì hiện có 3 người lao động trái phép được tạm tha ra khỏi trại.

Thời gian qua, các văn phòng UKBA ở miền trung và miền bắc UK tăng cường kiểm tra hệ thống tiệm nail của người Việt, trong chiến dịch các văn phòng UKBA ở các nơi tập trung kiểm tra các điểm thường bị coi là có nhiều người rơm từ đủ mọi nước làm việc.

Khi bị bắt vào trại, một trong số những cách mà bạn có thể bail ra là yêu cầu được xin tị nạn (asylum claim).

Sách hướng dẫn về thủ tục xin tị nạn đang được NgườiRơmUK gấp rút hoàn tất, nhờ được một số mạnh thường quân giúp đỡ về tài chính.

Để biết cách sử dụng quyền lợi của mình để biến việc bị bắt giữ thành cơ hội hợp pháp hóa giấy tờ thì bạn nên tìm hiểu hệ thống luật lệ và thủ tục xét cấp tị nạn từ trước.

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Tin bieu tinh 11.XII.2011

Chủ Nhật vừa rồi (11.12.2011) trước cửa Sứ quán Việt Nam ở London đã diễn ra cuộc biểu tình nhân ngành Quốc tế nhân quyền.


Theo CTV của NgườiRơmUK ở London cho biết thì có khoảng 25 người đã tham gia biểu tình từ 11h30 đến 13h00 trưa Chủ Nhật bất kể trời trở lạnh, gió rét và mưa phùn.


Trong thời gian này, phái đoàn chính phủ Việt Nam với chủ tịch quốc hội và bộ trưởng giao thông cũng sang Anh kêu gọi đầu tư vào Việt Nam và khánh thành đường bay thẳng của VnAirlines từ Nội Bài và tp.HCM sang Gatwick.


Đây là tin vui cho chính phủ Việt Nam và nhiều sinh viên Việt Nam đang du học cũng như những người Việt ở London muốn rút ngắn giờ bay về thăm nhà, nhưng là tin buồn cho nhiều người rơm đang ở trong trại.


Xét thái độ hợp tác của hãng hàng không Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế trong việc chuyển người tị nạn về nước, đặc biệt là trong thời gian dẹp trại ở Hồng Kông, sẽ thấy đây là nguy cơ lớn.


Với các ưu đãi và giúp đỡ đặc biệt của VnAirlines, cục biên phòng Anh có thể nhanh chóng đặt vé và cử người áp tải người rơm thẳng từ trại về sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất ngay trong ngày, không cần phải lên kế hoạch trước như đường áp tải hiện nay qua sân bay Kuala Lumpur của Malaysia.

----------------------------------

Thư của BTC biểu tình gửi cho NgườiRơmUK.


Thư kêu gọi tham gia biểu tình nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2011

London ngày 30 tháng 11 năm 2011

Kính gửi quý cô bác, quý anh chị, quý bạn,

Chỉ còn 10 ngày nữa, ngày 10, tháng 12, khắp nơi trên thế giới sẽ tổ chức ngày Quốc Tế Nhân Quyền.

Nhân quyền là giá trị thiêng liêng nhất của mỗi con người, bất kể màu da, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch; Là giá trị tốt đẹp mà mỗi người dân ở các nước dân chủ đang thừa hưởng.

Nhưng, có một nơi Nhân quyền bị chà đạp một cách tệ hại, nhà cầm quyền nhân danh nhà nước đối xử với người dân như những nô lệ :Đó là đất nước Việt Nam.

Việt Nam vẫn là một nhà nước độc tài, đảng cộng sản thâu tóm mọi quyền lực, người dân bị tước đoạt mọi quyền lợi cơ bản nhất của con người: quyền được nói, quyền được bày tỏ chính kiến, quyền được làm người đúng nghĩa. Những ai đứng lên tranh đấu đòi hỏi quyền làm người đều bị nhà cầm quyền đàn áp dã man. Hiện nay, đang có hàng ngàn người đang bị cầm tù trong các nhà tù cộng sản khắp cả nước.

Thưa quý cô bác, quý anh chị, quý bạn,

Vì muốn sống như những con người thật sự nên chúng ta bằng nhiều con đường, bằng nhiều cách khác nhau đã trốn chạy khỏi chế độ độc tài cộng sản Việt Nam. Chúng ta đang được sống và thừa hưởng một chế độ dân chủ tai đất nước này, Vương quốc Anh, chúng ta không quên những người thân của chúng tađang sống tại nhà tù lớn cộng sản.

Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, “ Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Anh Quốc” sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trước Sứ quán Cộng Sản Việt Nam tại London, đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do ngay cho hàng ngàn tù nhân đang bị giam giữ chỉ vì lý do tranh đấu cho một nhà nước tự do, dân chủ,tranh đấu cho quyền lợi của người lao động.

- Thời gian biểu tình: Lúc 11:30 giờ sáng đến 13:00 giờ chiều

Chủ Nhật ngày 11 tháng 12 năm 2011

-Địa điểm tập trung: Trước cổng Sứ Quán Cộng Sản Việt Nam số 12-14 Victoria Road ,W8 5RD, London (Buses 9, 10, 49, 52, 70, 452 )

Kính mời quý cô bác, quý anh chị, quý bạn cùng tham gia, cùng cất lên tiếng nói chung, tạo nên một sức mạnh chính nghĩa áp lực đối với chế độ độc tài cộng sản đồng thời chia sẻ những đau thương, mất mát, cảm thôngđối với những người tranh đấu trong nước đang chịu tù đày.

Sự có mặt của quý cô bác, quý anh chị, quý bạn cũng là một sự động viên to lớn cho anh chị em trong ban tổ chức.

* Ban tồ chức sẽ cung cẩp truyền đơn,biểu ngữ và nước uống cho quý đồng hương tham gia biểu tình

Nhóm Người Việt Nam yêu nước

Thay mặt ban tổ chức

Nguyễn Bình

Tel:07404350600

Email: forever.dctd@gmail.com

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Nguoi rom Lien Xo


Người rơm Liên Xô

Nước Anh không chỉ là điểm đến của dân Việt Nam hay châu Á và châu Phi, mà còn là cả mục tiêu của dân lao động từ các nước Đông Âu, như Ukraina và Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Mới hôm 20.XI vừa rồi các sĩ quan biên phòng ở UKBA đã chặn giữ một người phụ nữ sử dụng hộ chiếu Cộng hòa Czech để vào Anh không cần visa theo nguyên tắc thỏa thuận giữa các nước thuộc Khối kinh tế Âu châu EEA.

Nhưng người ta phát hiện thấy hộ chiếu bị sửa và sau đó tiếp tục xác minh ra người phụ nữ 31 tuổi này là người Nga.

Trước đó cũng có một người đàn ông Albania 35 tuổi bị bắt vì sử dụng hộ chiếu Bulgari trên chuyến phà đi từ St Malo.

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Anh long leo an ninh cua khau

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20111125-chinh-phu-anh-gap-kho-khan-truoc-lan-song-nhap-cu-bat-hop-phap


Nước Anh lỏng lẻo an ninh cửa khẩu vào tuần sau vì đình công

Lê Hải, RFI

Tin cảnh sát Pháp phá vỡ hai đường dây đưa người từ châu Âu vào Anh chắc chắn sẽ làm những ai lo ngại về làn sóng dân nhập cư bất hợp pháp được an ủi đôi chút, nhưng xét trong tình hình thời sự nước Anh hiện nay, thì tin đó không hề giúp chính phủ và bộ nội vụ Anh lạc quan thêm được chút nào. Chưa hết làn sóng chỉ trích chuyện các cửa khẩu bỏ bê kiểm tra giấy tờ liên tục được nhắc trước quốc hội suốt tuần qua, giờ là mối lo cửa khẩu không có người làm việc do nhân viên thuế quan và biên phòng đình công vào tuần tới. Theo các con số mới nhất thì lượng dân nhập cư vào Anh không giảm xuống còn dưới 100.000 mỗi năm theo lời hứa tranh cử của thủ tướng David Cameron, mà còn có nguy cơ tăng lên với con số trên 250.000 như mới được báo chí phát hiện hồi sáng nay. Bộ máy của cơ quan chuyên trách xuất nhập cảnh UKBA cũng vừa xấu mặt với thêm một vụ làm thất lạc hồ sơ xin thẻ định cư, phải bồi thường tiền vì không tìm ra quyển hộ chiếu của khách hàng.

Hồi năm ngoái, trong một ngày đình công ở cửa khẩu, riêng cảng Calais có trên 300 xe tải và hành khách đi vào nước Anh mà không bị kiểm tra, và người ta tính ra có chừng 13.000 người nhập cảnh mà không bị xét hộ chiếu trong ngày hôm đó. Calais là nơi tập trung nhiều người nước ngoài không có giấy tờ chờ tìm cơ hội trốn vào nước Anh, tỏa đi các ngã tìm việc làm. Người Việt thường đi làm nail, tức là nghề chăm sóc móng tay, hay nuôi giữ trẻ, phụ bếp, và nhanh chóng kiếm tiền nhất là nghề trồng cỏ, tức là chăm sóc các vườn cần sa bất hợp pháp trong nhà. Khi bị phát hiện trên đường vượt biên vào Anh họ chỉ bị đuổi ngược trở lại nước Pháp, cho nên rất nhiều người tập trung trên đường xuống cảng Calais, chờ xe tải nào dừng lại ngủ qua đêm là chui vào để trốn vào nước Anh. Trường hợp bị phát hiện thì họ lại ra khỏi cảng, quay ngược lại chờ xe khác cầu may, cho đến khi nào vào được nước Anh thì thôi. Có trường hợp chui vào nhầm xe, khi bước ra thì là Norway hay Thụy Điển rồi. Sau một đợt dọn dẹp các khu lán trại làm mất mỹ quan, hầu như cảnh sát Pháp không có hành động gì thêm và biên phòng Anh cũng không có cách nào giải quyết triệt để hay siết chặn biên giới cả. Có những người Việt Nam sống bất hợp pháp ở Anh, bị phát hiện trong các cuộc kiểm tra, bị đưa vào trại và được 2 nhân viên an ninh áp tải sang tận Malaysia để giao trả cho Việt Nam, nhưng chỉ vài tháng sau UKBA lại phát hiện anh ta đã có mặt ở Anh trở lại.

Đó là nói về con đường di dân bất hợp pháp, còn hệ thống kiểm tra di dân hợp pháp cũng không khá gì hơn. Biên phòng Anh cử người sang tận các cửa khẩu xa để ngăn chặn, đầu tư tiền để nâng cấp hiểu biết của nhân viên về các nước có nhiều dân di cư và hay dùng hộ chiếu giả. Có lần đi về Anh bằng tàu TGV Eurostar tôi đã gặp một nhân viên da trắng của bộ nội vụ chào hỏi bằng tiếng Việt rất rõ ràng vì anh này từng có thời gian đi tìm hiểu ở Việt Nam. Những ai từng đi xin visa vào nước Anh cũng biết là hệ thống thủ tục rất khó khăn, tưởng như không dễ dàng nhập cảnh vào đất nước này nếu không có lý do chính đáng. Bộ máy cũng được cải tiến, đưa quyền cấp visa ở vùng Đông Nam Á về Thái Lan và lắp thêm các hệ thống lấy dấu vân tay, kiểm tra giấy tờ giả v.v. Thế nhưng mới gần đây người ta lại phát hiện ra kẽ hở chính là các nhân viên trong đó. Có người ăn hối lộ để nhắm mắt ký duyệt cho các hồ sơ nhập cư. Có bộ phận nhận hồ sơ rồi thì không còn biết cất ở đâu nữa, đương sự xin lại hộ chiếu thì không tìm ra để mà trả. Nổi tiếng nhất là vụ UKBA quên mất nửa triệu bộ hồ sơ xin tị nạn trong kho suốt nhiều năm liền. Bây giờ UKBA lại tiếp tục bị cắt giảm nhân viên theo chính sách chung của chính phủ, thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách, cho nên càng không biết bộ máy này sẽ hoạt động ra sao. Gần đây báo chí tiếp tục phanh phui là các lãnh sự quán của Anh ở nước ngoài vì giảm nhân sự mà phải thuê các công ty tư nhân ở Thụy Sĩ hay Mỹ giúp phân tích và xét duyện hồ sơ xin visa. Và để đối phó với cuộc đình công của UKBA vào tuần sau, người ta đang định nhờ một công ty dịch vụ an ninh vô làm thay, cùng với một số công chức văn phòng tình nguyện muốn thử làm sĩ quan biên phòng.

Các con số thống kê mới nhất mà báo chí sáng nay đăng tải cũng không sáng sủa gì hơn cho chính phủ Anh. Tờ Guardian chơi chữ khi nói bà bộ trưởng nội vụ Theresa May sẽ mất tinh thần (dismay), mà ý là nhắc đến nguy cơ bà có thể phải từ chức, vì chỉ số trục xuất người bị từ chối cho tị nạn lại tiếp tục giảm thêm 13%, thay vì tăng lên như lời hứa, khiến lượng người rơm tồn đọng tiếp tục gia tăng. Con số người chênh lệch giữa nhập cư và di cư của năm ngoái là 250.000, còn xa mới đạt được chỉ tiêu 100.000 mà thủ tướng David Cameron từng cam kết khi tranh cử.

Cau chuyen nguoi rom Norway

Câu chuyện người rơm Norway, còn được gọi là "vô nhân".


Chân dung một cô gái Việt Nam

Căn phòng nằm trên bờ con sông con Askerelva chảy qua trung tâm thủ đô Oslo. Qua cửa kính ra ban-công, Diễm nhìn những cây phong lá úa vàng soi bóng trên nước, tưởng tượng nếu đây là một căn phòng trong ký túc xá sinh viên, với người yêu bên cạnh, thì thơ mộng biết bao.

Tranh "Cô gái u sầu" của Nguyễn Trọng Kiên.

Nhưng bây giờ trước mặt nàng là ông cảnh sát di trú và bên phải là một người con gái, cỡ tuổi Diễm. Cô xin tầm trú. Trước khi lên đây, một bà cảnh sát đã khám xét người và hành lý của cô. Bà muốn tìm biết cô gái thật sự là ai, tên tuổi thật là gì, nhà cửa thật ở đâu. Trong ba bốn năm gần đây, nẩy ra một hiện tượng mới là mỗi năm có vài chục người Việt Nam tới xin tầm trú tại Na-uy, không một người nào là… người thật. Báo chí Na-uy gọi họ là ingen person, tương đương với nobody, Diễm và các đồng nghiệp thông dịch viên dịch đùa từng chữ là ‘vô nhân’. Trong cái túi xách nhỏ, có hình hai bàn chân, bà cảnh sát chỉ moi ra được một cái quần tây, một áo thung, một xú-chiêng, hai xì líp, một típ kem đánh răng, một bàn chải. Chân dung thật của cô gái không nằm trong cái túi xách. Bây giờ Diễm dịch cho ông cảnh sát thẩm vấn.

“Cô tên gì?” ông cảnh sát hỏi, sau khi bật máy PC.

“Nguyễn Thị Vân.”

“Ngày sanh?”

“25.12.1988.”

“Như vậy là cô sanh vào lễ Giáng Sinh và năm nay cô 16 tuổi?” ông cảnh sát chiếu ánh mắt nghi ngờ trên cô gái ngồi trước mặt. Diễm đoán người đồng hương này nếu không già bằng Chúa Cứu Thế thì ít nhất phải hai mươi lăm tuổi. Nàng biết theo luật lệ hiện hành, trẻ vị thành niên được nhiều đoàn thể can thiệp và bảo vệ, và nếu được chấp thuận tị nạn thì có thể kéo thêm cha mẹ, em út. Nhưng Diễm đoán lầm về vụ kéo thêm cha mẹ:

“Tên cha?” ông cảnh sát hỏi tiếp.

“Nói chung… Tôi không có cha.”

“Tên mẹ?”

“Tôi không có mẹ.”

“Ít nhất cũng có một người sanh ra cô chớ?”

“Tôi mồ côi từ nhỏ, không biết gì cả…”

“Cô có giấy tờ gì không, như sổ thông hành, căn cước chẳng hạn?”

“Không.”

“Không có giấy thông hành, làm thế nào cô có thể đi ra khỏi Việt Nam, và qua bao nhiêu biên giới tới đây được?”

“Không biết. Người ta đưa tôi đi.”

“Người ta là ai?”

“Nói chung nà người giắt đi đấy.”

“Có khi nào họ đưa qua trạm kiểm soát biên giới không?”

“Tôi không biết đâu là biên giới.”

“Cô rời khỏi Việt Nam bao giờ?”

“Không nhớ.”

“Cô nói phỏng chừng cũng được,” ông vẫy vẫy những ngón tay như con chim bay “một năm, một tháng, hay một tuần?”

“Khoảng một tháng.”

“Cô nhớ đã đi qua một thành phố nào đặc biệt, ví dụ Paris, Berlin, Bắc Kinh?”

“Không nhớ. Không biết.”

Suốt hai tiếng đồng hồ với hàng trăm câu hỏi, người cảnh sát chỉ nhận được một câu trả lời rất ư thoải mái “không biết.” Chạm phải những lời nói dối quá xấc xược, ông đỏ gay mặt như người bị xúc phạm nặng, nhưng lấy lại bình tĩnh, gõ vào máy vài dữ kiện vu vơ. Thấy hồ sơ sơ sài quá, ông ta cố gắng nhắc lại lần thứ ba một câu hỏi:

“Cô nói lại tôi nghe, cô từ Việt Nam tới Na-uy bằng phương tiện gì?”

Cô gái chắc đã được học tập kỹ, dư biết rằng ông cảnh sát muốn truy ra hãng máy bay chuyên chở để qui trách nhiệm, nên quay sang thông dịch viên nói:

“Chị lói với ló nà em đi bộ từ Cao Bằng sang Trung Quốc đấy, dzồi từ Trung Quốc đi bộ sang Nga, từ Nga sang đây bằng xe thùng đấy… Ðã lói mí ló dzồi mà cứ hỏi mãi thế!”

Diễm dịch lại câu nói, bỏ câu ‘chị lói với ló’ đi – vì nàng biết nó ngắn ngủi thế mà không tài nào dịch hết ý được. Ông cảnh sát ghi vào hồ sơ lời khai, chẳng cần biết đoạn đường từ Cao Bằng sang Nga dài bao nhiêu dậm, đi bộ mấy năm. Rồi ngẩng đầu lên hỏi theo đúng thủ tục:

“Cô muốn gì tại Na-uy?”

“Xin tị lạn.”

“Lý do tị nạn?”

“Nói chung nà ở Việt Nam đói quá.”

“Tại sao lại chọn Na-uy làm nơi tị nạn?”

“Nói chung nà nghe người ta bảo ở La-uy sướng thì trả tiền cho đường giây đưa đi.”

“Cô phải trả bao nhiêu tiền?”

“Lăm ngàn đô.”

“Số tiền này từ đâu cô có, nếu cô đói?”

“Có cái ông gần nhà thấy tôi khổ thương hại cho tiền đi.”

“Ông ấy tên gì?”

“Không biết.”

“Ðịa chỉ?”

“Bên cạnh nhà tôi.”

“Hồi nãy cô nói vô gia cư, từ nhỏ sống ở ngoài đường?”

“Thì ở gần nhau ngoài đường.”

Diễm nghĩ bụng nếu có một nơi mà người vô gia cư có nhiều tiền như thế và hảo tâm như thế nhất định nàng sẽ tới đó xin tị nạn. Nhưng ông ta khoanh tay, ngả lưng ra đằng sau như muốn thư dãn, rồi bấm nút ‘print’ vào máy PC. Bên ngoài ban-công một con bồ câu đáp xuống, thấy bóng nhiều người, lại bay đi.

Ông cảnh sát đưa cô gái xuống phòng căn cước dưới tầng trệt để chụp hình, lăn tay, làm thẻ căn cước tạm. Diễm cũng là dân tị nạn – mệnh danh là ‘thế hệ thứ hai.’ Thấy cảnh này, Diễm nhớ lại những câu chuyện gian truân, bi hài mà ‘thế hệ thứ nhất,’ cha mẹ nàng, kể về chuyến vượt biên hai mươi sáu năm về trước, lúc nàng chưa sanh ra.

Nhiều người hỏi tại sao phải liều mạng như vậy? Cha mẹ có một câu trả lời khá đặc biệt, tương đối khiêm nhường hơn phần đông – khát khao tìm một mảnh đất có thể lương thiện mà sống. Ông bà đã tìm được một mảnh đất như thế và sanh ra Diễm trên mảnh đất như thế. Diễm thừa hưởng tấm lương thiện như suối nhận nước mạch từ đỉnh núi cao tinh tuyền. Diễm không biết nói dối – gần như. Nói ‘gần như’ là để trừ những lần như mẹ hỏi có bồ chưa nói chưa, bố hỏi mua cái cà-vạt cho bố bao nhiêu nói nửa giá, bạn trai hỏi em giận cái gì, nói không có gì cả…

Ông cảnh sát cầm từng ngón tay của cô gái lăn trên tấm kính đục, khi hình dấu tay hiện rõ nét và đầy đủ trên màn ảnh máy vi tính, với tín hiệu ‘Ready’, ông nhấn bàn đạp. Diễm nhìn những ngón tay thon khá đẹp của cô gái, tự hỏi tại sao cô có thể nói dối một cách tự nhiên như thế. Và Diễm cảm thấy một nỗi chán nản xen lẫn hổ thẹn về người cùng màu da.

Một chiều đầu mùa đông. Trận tuyết đầu tiên trong thành phố khiến đường xá hỗn loạn vì tai nạn xe cộ. Diễm rút trong cặp đi làm ra tờ báo cũ đọc lại, cho qua thời gian trôi rất nhanh mà xe buýt chạy rất chậm, và bụng bắt đầu đoi đói. Tin có nghi vấn ông Arafat chết vì bị đầu độc; tin tuyết lở ở Miền Tây khiến 60 chiếc xe bị kẹt giữa đường; tin cảnh sát bắt được chín người trong một băng ăn cắp toàn người Việt Nam, hoành hành từ nhiều năm trên toàn quốc. Số thiệt hại cho các cửa tiệm lên đến nhiều chục triệu. Các mặt hàng được băng đảng này ưa chuộng là dao cạo Gillette, mỹ phẩm L’Oréal, nhất là thuốc quệt lông mày và tô mắt, có cả dầu cá. Chưa bắt được người đầu sỏ của tổ chức, nhưng trong số những người bị bắt có một người đàn bà tầm trú can dự vào 19 vụ có tang chứng, người này đã có bốn tiền án ăn cắp. Chuông điện thoại reo. Cảnh sát di trú cần Diễm đi thông dịch gấp. Cảnh sát hẹn mang xe đón đường xe buýt để rước Diễm đi ngay. Diễm moi gói bánh mì ăn dở ra ăn; nếu không bị kẹt xe, giờ này nàng đang ăn cơm với cha mẹ ở nhà, mẹ nói hôm nay sẽ làm món canh bí rợ.

Cô cảnh sát di trú mặc thường phục chiều nay sẽ gặp một người đàn bà trong tù để thông báo lệnh trục xuất. Khi người tù xuất hiện trước cửa phòng tiếp khách, Diễm thấy mặt quen quen. Người thiếu phụ nặng nề ngồi xuống ghế bành, một tay đặt lên bụng lớn. Diễm để ý đến sự kiện nhỏ là trong căn phòng bây giờ có ba người đàn bà. Cô cảnh sát tự giới thiệu xong, mỉm cười hỏi cô tù, Diễm dịch lại:

“Cô khỏe không?”

“Khỏe.”

“Bao giờ sanh?”

“Hai tháng nữa.”

Cô hắng giọng:

“Hôm nay tôi đến đây để nói về một việc khác, không liên quan gì tới việc trộm cắp,” cô cảnh sát nói trong khi mở một cái kẹp hồ sơ bằng nhựa trong, lấy ra một tờ giấy. “Tôi đến để báo cho cô biết về lệnh trục xuất.”

Người thiếu phụ mang bầu mặt không biến sắc, bàn tay vẫn để trên bụng, cánh tay kia vẫn để xuôi theo đùi trên ghế da. Cô cảnh sát đưa cho Diễm tờ quyết định của bộ Nội Vụ, bảo dịch miệng cho đương sự.

Diễm dịch xong, đưa tờ giấy cho người con gái tên Vân ký tên. Bây giờ nàng đã nhớ ra đây là cô gái xin tầm trú vào đầu mùa thu. Nàng nhớ ra bàn tay đang đặt trên bụng kia đúng là bàn tay đẹp đặt trên tấm kính mờ để lấy dấu. Bàn tay táy máy trong bốn tháng nay làm điêu đứng các siêu thị và cửa hàng khắp nước. Lại cùng một cảm giác gờm nhớm len vào lòng Diễm.

Cô cảnh sát cất tờ quyết định vào kẹp. Lấy một tờ giấy khác, cầm bút như sẵn sàng ghi chép.

“Xin cô nghe đây,” cô cảnh sát mở đề cho một cuộc thẩm vấn cuối cùng. “Cô không đủ lý do xin tị nạn, cộng thêm việc phạm pháp, cô không có con đường nào khác ngoài đường trở về nơi cô đã ra đi.”

“Thế thì trả tôi về Ðức.”

“Tại sao lại Ðức? Cô đi từ Việt Nam mà!”

“Tôi từ bên Ðức sang…”

“Trong hai lần thẩm vấn trước đây cô nói từ Việt Nam, đi bộ sang Trung Quốc rồi sang Nga. Bây giờ lại nói từ Ðức sang. Lời nào là thật?”

“Cái thai lày của một thằng Ðức.”

“Nhiều lần chúng tôi đã hỏi cha của thai nhi là ai, cô đều nói là không biết.”

“Không biết… thật đấy. Nói chung nà đêm không thấy mặt.”

“Dù cô không biết gì hết, không biết mặt người ngủ chung, không biết mình là ai, không biết cha mẹ là ai, không biết từ đâu tới, chúng tôi vẫn có cách tìm ra cô là ai. Và chúng tôi sẽ liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam cấp giấy cho cô về Việt Nam.”

“Lói thật cũng chết, lói dối cũng chết…” người tù nói nhanh, rồi lại vội nói “Chị đừng dịch cho ló nghe nhá!”

“Cô ấy nói gì?” thấy Diễm không dịch câu nói của người đối thoại, cô cảnh sát hỏi.

“Cô ấy đổi ý, không muốn tôi dịch câu vừa nói.”

Cô cảnh sát nhỏ giọng nói với người đàn bà mang thai:

“Xin cô cộng tác với chúng tôi để tiến hành cho sớm việc hồi hương, tránh cho em bé khỏi sanh ra trong tù.”

“Tôi cũng không muốn sanh con trong tù…”

“Vậy tên thật cô là gì? Ðịa chỉ?…”

Người tạm gọi là ‘Vân’ không trả lời. Diễm bỗng thấy nét mặt của Vân mềm ra, như có một lớp sáp vừa tan để lộ cảm giác – khuôn mặt của một con người. Bất cứ tên tuổi cô là gì, đây là một người mẹ. Người mẹ đặt cả hai tay lên bụng, cúi xuống lẩm bẩm:

“Con tôi sinh trong tù à?”

Rồi im lặng. Diễm cảm thấy xót xa trong lòng. Cảm giác gờm nhớm từ bốn tháng nay biến thành một cảm giác ân hận. Diễm nghĩ đến thân phận chính mình – sở dĩ mình sống nhởn nhơ được, buổi sáng đứng bán nhà thuốc tây, buổi chiều đi nhảy aerobic, lâu lâu đi thông dịch lấy ngoại tài mua son phấn không cần ăn cắp… là vì cha mẹ mình đã chọn được con đường đúng ý nguyện: tới một nơi có thể lương thiện mà sống được. Không, không phải cha mẹ chọn. Ðó là Trời ban. Ba chục năm nay, bây giờ ‘Kho Trời’ đã khóa. Nếu cha mẹ nàng chậm chân, không chừng giờ này Diễm cũng là một người mở miệng bằng câu không biết, và không từ làm bất cứ việc gì để sinh tồn.

Lợi dụng lúc cô cảnh sát nói chuyện với bà gác tù, Diễm phá chút qui củ thông dịch, đưa tay bắt bàn tay mềm và ẩm của Vân, chúc may mắn và ai ủi vài câu. Vân tỏ ra cảm động. Cuối cùng, nghĩ tới mai mốt Vân lên máy bay về Việt Nam, Diễm ái ngại hỏi:

“Liệu người lương thiện có sống được ở Việt Nam không?”

“Nương thiện nà cái gì?”

© Tâm Thanh

© Đàn Chim Việt

UKBA dinh cong

http://www.thesun.co.uk/sol/homepage/news/3956016/Dopey-French-firm-guards-our-borders.html

Thứ tư tuần tới cửa khẩu vào nước Anh qua cảng Calais có nguy cơ bị mở tung, giống tình trạng hồi năm ngoái khi nhân viên UKBA đã có trên 300 xe và 13.000 người vào Anh mà không có ai kiểm tra giấy tờ.

Bộ trưởng nội vụ Theresa May đang tính trả 7 triệu bảng để thuê công ty Pháp Eamus Cork Solutions (ECS) kiểm tra cửa khẩu trong ngày giới chức Anh đình công vào tuần sau.

Bộ nội vụ cũng huy động công chức tình nguyện ra làm việc ở cửa khẩu.

Thế nhưng lãnh đạo của UKBA thì nói những người đó chỉ giúp làm các việc phụ chứ không trực tiếp xét hộ chiếu, và các sĩ quan biên phòng nói giải pháp đó là "rẻ tiền và là nguy cơ cho an ninh quốc gia".

Bất kể cuộc đình công có diễn ra hay không, UKBA vẫn đang phải chịu áp lực cắt giảm 5.200 nhân viên trong vòng 5 năm tới.

Cửa khẩu cảng biển ở Dunkirk từ 39 sĩ quan biên phòng nay xuống chỉ còn 7 người làm việc.

Một công ty tư nhân cũng được dự kiến sẽ làm thay việc của UKBA trong ngày đình công là Serco, tập đoàn quản lý hệ thống đường tàu điện trên cao ở Dockland, phía đông nam London.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Pha duong day dua nguoi

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20111124-phap-pha-vo-them-mot-duong-day-dua-nguoi-viet-nhap-cu-trai-phep-sang-anh

Pháp phá vỡ thêm một đường dây đưa người Việt nhập cư lậu sang Anh

Những người nhập cư trái phép trốn trong thùng xe tải khi đang vượt biên vào Anh. Ảnh: Đại sứ quán Anh cung cấp
Những người nhập cư trái phép trốn trong thùng xe tải khi đang vượt biên vào Anh. Ảnh: Đại sứ quán Anh cung cấp
(DR)

Mai Vân

Theo nguồn tin cảnh sát Pháp vào hôm qua, 23/11/2011, thêm hai đường dây đưa người nhập cư lậu vào Anh Quốc đã bị phá vỡ tại Pháp. Tuyến quan trọng nhất chuyên đưa người Việt Nam, còn tuyến thứ hai dành cho người Ukraina. Hơn 20 người đã bị câu lưu, tại Pháp và tại Đức.

Đường dây đưa người Việt Nam đã bị phát hiện nhờ thông tin mật báo của cảnh sát tư pháp Berlin, chuyển lên cho cơ quan cảnh sát châu Âu Europol.

Theo nguồn tin cảnh sát biên phòng Pháp, những người nhập cư trái phép nói trên đã đến Cộng hoà Séc hay Hungary một cách hợp pháp. Đây là hai ngõ vào không gian Schengen. Tại đấy họ được trao cho một hộ chiếu thật bị đánh cắp, kèm theo một visa giả để vào Đức. Khi vào Đức rồi thì những tài liệu này bị mạng lưới đưa người lấy lại.

Hành trình từ Đức qua Pháp được thực hiện theo hai phương thức. Với phương thức VIP, giá từ 18.000 đến 30.000 euro, đường dây phục vụ từng người, cho họ đi theo những chiếc xe tải mà tài xế là đồng lõa của đường dây.

Còn với phương thức thứ hai, gọi là "giá hạ" (low cost), người đi chỉ đóng từ 3.000 đến 6.000 euro, nhưng phải tự tìm xe chở đến thành phố Angres (miền Bắc Pháp), để rồi từ đó tự tìm cách sang Anh.

Trong một chiến dịch triển khai vào hôm 22/11, cùng lúc ở Pháp và Đức, 18 người trong đường dây đã bị bắt ở Pháp và 2 người khác ở Đức. Cảnh sát cũng tịch thu nhiều máy vi tính và đang khai thác các dữ liệu.

Đường dây thứ hai mang tên "Tchernobyl", chuyên đưa người Ukraina vào không gian Schengen rồi qua Anh, đã bị phá vỡ nhờ thông tin của cảnh sát Ba Lan. Người đi trả 3.000 euro để đánh đổi lấy hộ chiếu Ba Lan, những hộ chiếu bị đánh cắp hay được mua lại. Họ dễ lọt lưới cảnh sát nhờ nét giống hao hao giữa chủ nhân hộ chiếu và người nhập cư. Người Ukraina đi bằng xe lửa hay xe ca đến miền Bắc nước Pháp đề rồi tìm cách sang Anh. Cảnh sát Pháp bắt 8 người trong đường dây này.

Cảnh sát Pháp cho biết từ đầu năm đến nay, đã có đến 162 đường dây đưa người như kể trên bị phá vỡ.