Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Nhin tu nuoc Phap

Tìm Cái sống trong Sự chết
Nguyễn Thị Cỏ May, Paris, Pháp

Trước đây, người Việt Nam đến được Âu châu đều trong tình trạng hợp lệ. Cảnh sát chẳng mấy khi xét hỏi giấy tờ người Việt trên đường phố. Từ khi có người Tàu đến đông, cảnh sát các nước Âu châu bắt đầu kiểm soát giấy tờ. Trên xe lửa, hành khách người Việt bị hỏi giấy tờ như thông hành hay căn cước. Và khi bị móc túi, người móc túi nhằm lấy giấy tờ hơn là tiền bạc vì giấy thờ tùy thân bán cao giá. Người Tàu mua sử dụng tạm trong thời gian giấy tờ còn hiệu lực. Cảnh sát Tây khó phân biệt người Việt với người Tàu. Ngày nay, việc buôn bán này mất thị trường vì giấy tờ được kiểm soát bằng máy. Ngày nay, người Việt đến Âu châu, có một số không có giấy tờ . Họ đến lậu bằng đường bộ Nhưng họ đều chọn sanh sống tại các nước thuộc Đông Âu cũ. Gần đây, có người Việt được đưa qua Anh sanh sống. Họ đến Anh bằng nhiều cách. Du lịch rồi ở lại luôn, khai tuổi nhỏ. Một người 22/23 tuổi, nhứt là dân miền Thanh Hóa Nghệ Tĩnh, khai mới 16/17 tuổi. Cảnh sát Anh chịu thua. Vị thành niên, họ có quyền được ở lại Anh nếu không có ai nhận lãnh. Theo thời gian, họ tìm cách xin điều chỉnh giấy tờ.
Mùa đông rồi, có lối 300 người Việt trên đường qua Anh dừng chân trong một cánh rừng nằm sát bờ biển miền bắc nước Pháp để chờ được đưa qua Anh. Họ đến từ Việt Nam, từ các nước Đông Âu cũ như Tiệp-khắc, Hung-gia-lợi, Bun-ga-ri,…sau khi hết hợp đồng lao động mà họ không về xứ vì nhiều lý do. Trong số người chờ đợi để được đưa qua Anh mong thoát khỏi kiếp nghèo, cơ cực, áp bức ở quê nhà, có một thanh niên 26 tuổi tử nạn. Cái chết tức tưởi của anh Nguyễn Văn Mác được anh chị em cùng cảnh ngộ tổ chức tang lễ tại chỗ, tức trong cánh rừng, cạnh bờ hồ, bên kia 30 km là miền Đất Hứa. Thân xác sau khi Cảnh sát làm xong thủ tục được hỏa táng .
Đó là một số những người trẻ trong lớp tuổi cao nhứt là 45. Có người rất trẻ, chỉ từ 16/17 tuổi. Họ đến từ nhiều vùng Miền trung của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh . Họ được giới thiệu, đúng hơn, bị dụ dỗ đi qua Anh để kiếm tiền. Chỉ trong vài tháng là kiếm đủ tiền trả lại chi phí đưa đi. Sau đó, là làm giàu. Tất cả đều là những người sanh sống ở thôn quê vô cùng cơ cực. Nay nghe nói đi qua xứ Anh kiếm tiền, ai mà không ham. Chẳng những kiếm tiền để thay đổi đời sống bản thân, mà còn cải thiện cả gia đình. Thế là họ bán nhà, bán tất cả cái gì họ đang có, cầm thế ruộng đất, vườn tược vì những thứ này không bán được…để gom cho đủ số tiền chồng cho người lãnh đưa đi. Số tiền không phải nhỏ: từ 10 000 đến 15 000 $US cho một người. Từ Việt Nam, họ được tổ chức môi giới làm hồ sơ, giao đầy đủ giấy tờ, vé máy bay đi qua Mạc-tư-khoa. Tới đây, giấy tờ bị thu lại. Họ được chỉ định chỗ tạm trú để chờ người khác dẫn đi qua Tây Âu bằng đường bộ. Người hướng dẫn từ Việt nam biến mất. Người sẽ đến dẫn đi giai đoạn kế tiếp là ai, chừng nào tới, chương trình đi như thế nào,… không ai được biết trước gì hết. Chỉ biết phải chờ đợi tới phiên mình sẽ được kêu đi. Không phải họ cùng đi một lượt, mà từng người hoặc từng hai ba người. Họ phải kiên nhẫn ở đó chờ vì trông thấy đã có người đi rồi. Phiên mình sẽ kế đó thôi.
Từ Mạc-tư-khoa qua Tây-âu, họ đi bằng xe cam-nhông chở hàng. Ăn uống phải tự lo lấy vì người chở đi không cho ăn uống. Nhiều khi, họ phải đổi xe nhiều lần. Có khi phải đi bộ băng rừng nhiều cây số để lẩn trốn cảnh sát địa phương vì họ hoàn toàn bất hợp lệ.
Quãng đường này có khi phải đi mất nhiều tháng. Đi trong mùa đông của Đông Âu. Tuyết lạnh thấu xương vì y phục quá đơn sơ. Mà không thể quay lại vì không có người dẫn đường về. Đi về không có trong hợp đồng. Đi như vậy, có gần 300 người lần lượt đến bên bờ biển Manche, trong một cánh rừng, trong mùa đông năm rồi để chờ qua xứ Anh. Cánh rừng này nằm cách bờ biển chừng vài cây số, và cách xứ Anh chừng 30 km vì chỗ này gần với nước Anh hơn hết. Ngày xưa, năm 1926 tại đây, có một phụ nữ Mỹ, cô Gertrude Ederle, 19 tuổi, bơi qua Anh từ mũi Gris-Nez của thành phố Pas-de-Calais mất 14 giờ 31 phút. Cô giựt tất cả kỷ lục bơi lội.
Họ ở tạm từng nhóm nhỏ dưới những tấm bạt ny-long che mưa và tuyết. Còn lạnh, thì co người lại chịu đựng. Ăn uống phải tự túc. Có nhiều người không có tiền vì chỉ có đủ tiền trả cho dịch vụ từ Việt Nam mà thôi. Đến đây, họ lại mất liên lạc cũ, mà phải chờ liên lạc mới, tức người sẽ hướng dẫn họ qua Anh. Cánh rừng Téteghem không lớn và không phải thứ rừng già như ở Việt Nam. Rừng ở Pháp phần lớn được Chánh quyền chăm sóc chu đáo. Rừng vừa là lá phổi của Thành phố vừa là nơi ngày xưa cho người dân nghèo vào lấy củi về sưởi mùa đông, như công điền bên Việt Nam. Cánh rừng Téteghem nằm không xa Giáo xứ của Linh mục Phạm Xuân Đào nên Linh mục trông thấy người Việt Nam đi qua lại . Ông bèn hỏi chuyện nên được biết hoàn cảnh của những người tỵ nạn đồng bào của ông.
Giữa mùa đông rồi, Lm Phạm Xuân Đào tổ chức một cuộc viếng thăm “trại tạm cư “ của người Việt Nam. Ông mời Giám mục Ulrich, Thị trưởng Franck Dhersin cùng đến tận nơi để nhìn qua hoàn cảnh sanh sống của một nhóm hơn 20 người ở gần nhứt. Trong nhóm, tuổi từ 20 đến 42, có 4 phụ nữ. Tất cả đều không có ai nói được một ngoại ngữ nào ngoài tiếng Việt. Họ ở trong những túp lều ny-long tạm che mưa và tuyết, nhưng đất thì bùn sình vì họ dẫm lên nhiều ngày làm dậy sình. Dĩ nhiên họ thiếu thốn đủ mọi thứ. Có người phải đi sâu vào rừng tìm hái lá luộc ăn tạm qua ngày. Sau khi được Giáo xứ và Chánh quyển thị xã thăm viếng, họ được tiếp tế thực phẩm và vài thứ nhu yếu phẩm và dụng cụ nấu nướng, vệ sinh. Tiếp theo, họ được Hội địa phương SALAM mang đến cho bữa ăn nóng mỗi tuần một lần. Nhưng ông Jean-Pierre Leclerc, Chủ tịch, cho biết phương tiện của Hội SALAM rất giới hạn. Cũng may, có Hội khác tiếp cho thêm một bữa ăn nóng trong tuần. Hội y sĩ không biên giới đến chăm sóc sức khỏe vào thứ năm mỗi tuần. Khi Lm Phạm Xuân Đào biết được có người Việt Nam đến đây tạm trú chờ được đưa qua Anh, ông bèn kêu gọi trong những người Việt Nam quen biết, kẻ ít người nhiều, đóng góp tiền bạc, quần áo, giày dép, vật dụng hằng ngày như kem, bàn chải, khăn, sà-bông, bột giặt, …chở đến phân phối cho trại gần Giáo xứ. Còn ở sâu trong rừng, cách nơi đó xa hơn, còn nhiều nhóm khác cũng đang chờ đợi để sẽ được qua Anh. Họ cũng sống trong tình cảnh không gì lấy làm khả quan hơn. Trong nhóm hơn hai mưoi người này, đã có vài người được đi qua Anh. Chỉ biết những người này đã rời khỏi đây, chớ không có liên lạc từ khi họ được gọi đi. Những người ở đây đều tránh nói về họ, về chuyến đi. Họ được học tập kỷ luật của giới giang hồ môi giới từ ở Việt Nam. Mà ở Việt nam, họ còn gia đình nằm trong tay của ban tổ chức đen.
Những người môi giới hé cho người muốn đi qua Anh biết là qua được xứ Anh sẽ có nhiều việc làm hái ra tiền . Đi lao động có lương cao hơn ở Pháp, ở Đức. Ngoài ra còn nghề trồng “cỏ”. Chỉ sau 18 tuần lễ, với một căn phòng diện tích chừng 30 m2, có thể thu hoạch được ít nhứt mươi ngàn euros. Pas-de-Calais được chọn làm nơi dừng chân để chờ qua biển đến nước của Nữ Hoàng vì nơi đây là trục lộ chánh của tàu bè và các loại xe cộ đi qua Anh, bằng đường biển hay đường hầm xuyên qua biển Manche. Đường biển, các chiếc đò máy (Ferries) chở hành khách và xe vượt biển Manche, nếu thời tiết tốt, mất chừng hơn 1 giờ. Còn đi qua đường hầm mất chỉ có nửa giờ. Di dân lậu của các nước Trung đông hay Việt Nam qua Anh, đều đến Pas-de-Calais, chờ xe hàng sắp sửa qua hầm bèn nhảy lên xe trốn vào một chỗ nào đó. Nếu xe cửa có khóa, họ đập khóa. Thật ra, việc nhảy lên xe hàng không phải tài xế không biết vì đã được điều đình trước rồi. Nhưng khi bị bắt, thì tài xế phủ nhận trách nhiệm. Việc trốn qua Anh bắt đầu từ lúc chiến tranh Nam-tư vào năm 1999. Lúc đó, đông đảo người Kosovars tìm đường qua Anh tỵ nạn bằng ngả Pas-de-Calais. Họ tập trung ở Pas-de-Calais nên Chánh quyền Pháp sử dụng một nhà kho làm nơi tạm trú đón nhận họ. Chỉ một tháng sau, nhiều lều trại mộc lên khắp nơi dọc ven bờ biển. Trại Sangatte chánh thức mở cửa dưới sự quản lý của Hồng Thập Tự. Năm 2002, con số người tỵ nạn Iraniens, Afghans, Irakiens lên đến 25 000. Các phe phái chánh giới Pháp bắt đầu chỉ trích điều kiện tiếp đón của Chánh phủ không hội đủ tiêu chuẩn. Tháng 5/2002, Tổng trưởng Nội vụ Sarkozy đóng cửa và cho dẹp trại Sangatte. Từ đó đến nay, vẫn còn di dân Đông Âu hay Trung Đông đến đây sống lang thang để chờ cơ hội qua Anh. Số người nhảy lên xe hàng đang chạy bị tai nạn chết không phải ít. Trong trại, phe cánh đánh nhau, giành nhau phẩm vật tiếp tế, thanh toán nhau vì chuyện từ quê hương xứ sở hoặc trên đường đi vẫn thường xảy ra như cơm bữa .
Anh Nguyễn văn Mác, 26 tuổi, ngày 19 tháng 5 năm 2009, hồi 3 giờ 40 phút, trên xa lộ A16, theo sự hướng dẫn của người tổ chức đưa đi, anh đã nhảy lên xe hàng để vượt thoát qua Anh, nhưng chẳng may bị tai nại thảm hại . Anh chết để lại cha, vợ và một đứa con nhỏ ở Việt Nam. Cảnh sát khám nghiệm tử thi anh Mác và thông báo cho Tòa Đại sứ Hà Nội tại Paris. Nhân viên Chánh quyền cộng sản Hà Nội không trả lời Chánh quyền Pháp ở Téteghem. Thế là thi hài của anh Nguyễn Văn Mác được anh chị em trong nhóm, với sự giúp đỡ của Lm Phạm Xuân Đào, lo tổ chức hỏa táng với cả nghi lễ tôn giáo. Tro được giữ lại chờ cơ hội đưa về cho gia đình anh ở Việt Nam. Số người Việt Nam ở Vùng Pas-de-Calais vẫn còn khá đông vì số người ra đi nhỏ giọt và thời gian chờ đợi quá dài. Sự giúp đỡ có tính cách riêng tư trong khuôn khổ địa phương. Giúp đỡ chu đáo những người di dân này thì vô tình khuyến khích nhiều chuyến đi nữa, dấn thân vào cuộc phiêu lưu đầy bất trắc nguy hiểm. Nhưng không giúp thì lòng người xót xa vì cảnh đồng bào ra đi tìm cái sống trong cái chết nơi xứ người.
RvPhạm Xuân Đào
2 bis, rue de la Branche
59 229 Téteghem - France
Tel. 33 3 28 26 14 04

Chez Fabienne DEWAILLY
9, rue de Leffrinckouche
59 229 UXEM - France

Françoise Lavoisier, tel. 33 3 28 60 83 27
contact@associationsalam.org

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Nguoi rom o Ba Lan

Ở Ba Lan cũng bắt đầu nhắc đến chuyện ân xá cho Người Rơm, theo tin của Bến Việt:
http://wietnam-polska.wikidot.com/ba-lan:doi-an-xa-ng-nc-ngoai
Đòi ân xá cho người nước ngoài
Bến Việt (29.08.2009) Tin Ba Lan - Phát Ngôn Viên Quyền Công Dân, ông Janusz Kochanowski yêu cầu ân xá 300 ngàn người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Ba Lan, trong đó có 50 ngàn người Việt Nam.
Lời của Phát Ngôn Viên Quyền Công Dân (Rzecznik Praw Obywatelskich) được báo "Polska" thuận lại, nói có tới 300 ngàn người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Ba Lan. Đề đạt của ông được gửi qua thư tới Bộ Nội vụ và Hành chính Ba Lan (Ministerstwo Spraw Wewnętrznych i Administracji - MSWiA). Qua đó, ông cũng nói đây là điều bộ luật mới đang soạn thảo về người nước ngoài cần có.
Theo ông Janusz Kochanowski, ân xá (abolicja) phải được vận dụng cho tất thảy người nước ngoài đang sinh sống bất hợp pháp tại Ba Lan trong đó có khoảng 50 ngàn người Việt và trên dưới 300 ngàn người Ukraina. Ân xá giúp cải thiện cuộc sống của người nước ngoài, mang lợi cho Ba Lan về dân số, bổ xung ngân quỹ eo hẹp cho các khoản hưu khi người nước ngoài làm việc hợp pháp, đóng thuế vào ngân sách Ba Lan sau khi đã hợp pháp hóa cư trú trên đất này.
Vừa qua, MSWIA có gửi thư xin ý kiến của các tổ chức chính phủ (ví dụ như cơ quan của Phát Ngôn Viên Quyền Công Dân) và phi chính phủ (NGO's) chuyên trách về người nước ngoài tại Ba Lan trong đó có Quỹ Nhân Quyền Helsinki, Quỹ Nhân Quyền Halina Niec (trụ sở tại Krakow), Quỹ chống Nô lệ và Buôn người La Strada và cả Hội Tự Do Ngôn Luận có chi nhánh Bến Việt. Đóng góp của các tổ chức phi chính phủ giúp MSWiA hoàn tất bộ luật mới về người nước ngoài, trong đó rất có thể luật ân xá lần thứ 3 sẽ được ban hành.
Hội Tự Do Ngôn Luận với chi nhánh Bến Việt đã trả lời tham luận một cách chuyên sâu và cũng có những đề nghị tương tự như ông Janusz Kochanowski đưa ra với MSWiA về luật ân xá cho người Việt Nam và những nhóm người nước ngoài khác.
Hai đợt ân xá tại Ba Lan từng diễn ra hồi 2003 và 2007 nhưng chưa giải quyết thấu đáo vấn đề người nước ngoài bất hợp pháp.
Luận mới về người nước ngoài còn trong quá trình soạn thảo. Để đi vào hiện hành, luật mới có thể phải trải qua quãng thời gian 6 tháng cho Quốc hội xét duyệt và sửa đổi.
© Bến Việt