Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Noi bo dang Bao Thu

Bài phân tích rất hay của GS Lê Mạnh Hùng về tình hình nội bộ đảng Bảo Thủ


'Eurosceptics'
Wednesday, October 26, 2011 2:25:10 PM
Bookmark and Share


Lê Mạnh Hùng

Ðó là chữ mà ở Anh người ta dùng để tả những người hoài nghi về Âu Châu. Ở mức độ cuồng tín nhất như đảng UK Independent Party (UKIP), họ muốn rút Anh ra khỏi Âu Châu.

Ít hơn một chút là những người như rất nhiều dân biểu thuộc đảng Bảo Thủ nghi ngờ Âu Châu.

Mới tuần này, những ông bà 'Eurosceptics' đã làm Thủ Tướng David Cameron đỏ mặt.

Mọi sự khởi đầu với một đề nghị của những dân biểu mà ở bên Anh được gọi là đám ngồi sau (backbench), bởi họ không nắm giữ một chức vụ nào trong chính phủ, dầu là chính phủ đang cầm quyền hay là chính phủ chuẩn bị của phe đối lập. Mấy ông dân biểu này dựa trên một kiến nghị có chữ ký của hơn 100,000 cử tri, muốn được bỏ phiếu xem có nên có một cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu Anh có nên tiếp tục ở lại trong Liên Hiệp Âu Châu, rời khỏi liên hiệp hay điều đình lại việc tham gia. Có điều đây là một cuộc bỏ phiếu tự do (a free vote) tức là nó không có tính cách ép buộc đối với chính phủ, nó chỉ phản ảnh lập trường của các dân biểu. Thành ra dầu chính phủ, vốn không muốn có trưng cầu dân ý, có thua thì cũng chẳng có vấn đề gì.

Khổ một nỗi, ông Cameron lại muốn dùng cơ hội này để áp đặt kỷ luật đối với đảng. Ông “Whip,” tức là viên chức trong Quốc Hội chuyên làm “roi” buộc các dân biểu phải tuân theo kỷ luật đảng mình, của đảng Bảo Thủ đã, hẳn là theo yêu cầu của thủ tướng, ra một lệnh mà trong Quốc Hội Anh gọi là “một roi ba lần gạch dưới - a three line whip,” tức là một lệnh mà các đảng viên buộc phải tuân thủ nếu không muốn bị kỷ luật.

Ðây là một thành ngữ mà chỉ có ở Anh mới nghe nói. Khi người Anh bảo là cấp trên đã ra một cái lệnh “three line whip” điều đó có nghĩa là phải tuân lệnh nếu không muốn bị đuổi việc. Thành ngữ này phát xuất từ một bức thư mà “whip” gửi cho các dân biểu trong đảng mình. Bức thư thường chỉ vỏn vẹn có một hàng chữ “Sự có mặt của quí đồng viện là tối cần thiết,” ý chỉ sự hiện diện để bỏ phiếu tại Quốc Hội. Nhưng nếu yêu cầu đó không có tính ép buộc thì hàng chữ đó chỉ được gạch dưới một lần. Khi gạch dưới đến ba lần thì điều này có nghĩa là trái lệnh đảng thì sẽ bị kỷ luật và có thể bị trục xuất khỏi đảng.

Nhưng tuần này, 81 dân biểu đảng Bảo Thủ, mặc dầu có lệnh, vẫn tiếp tục bỏ phiếu công khai chống lại ông thủ tướng. Mà thực ra là có 83 vị chống, và hai vị bỏ phiếu cả không lẫn có, một hình thức phản đối kiểu khác. Dĩ nhiên là với sự ủng hộ của đảng Lao Ðộng đối lập và của đảng liên minh trong chính phủ, đảng Dân Chủ Tự Do, cuộc bỏ phiếu đã bị thua với 483 phiếu chống lại 111 phiếu.

Tưởng cũng xin mở ngoặc là khác với Quốc Hội Hoa Kỳ, nơi mà, ít nhất cho đến quốc hội trước quốc hội hiện tại, các vị dân cử có thể bỏ phiếu dễ dàng cho những luật của bên đối lập, Quốc Hội Anh vốn tổ chức trên kỷ luật đảng. Ngay cả hình thức của phòng họp Quốc Hội đã cho thấy sự phân biệt rõ rệt: Hai đảng ngồi đối diện nhau, muốn bỏ phiếu cho phe bên kia, một vị dân biểu phải “crossing the aisle - đi qua bên đối diện.”

Chính trong hoàn cảnh như vậy nên hành động của các vị dân biểu mới càng lộ liễu sự tức giận. Ðây là cuộc “nổi loạn” lớn nhất chống lại một thủ tướng Bảo Thủ về vấn đề Âu Châu. Lần trước vào năm 1993, chỉ có 41 dân biểu Bảo Thủ chống lại Thủ Tướng John Major khi thông qua Hiệp Ước Maastricht.

Ðiều mà nhiều báo chí đặt câu hỏi là tại sao ông thủ tướng lại chọn đối đầu với các vị dân cử của mình về một chuyện không cần thiết như vậy. Nếu ông cứ để cho họ bỏ phiếu, đừng coi đó là một vấn đề trọng đại trong khi ngấm ngầm giải thích cho họ là vụ bỏ phiếu này không phải lúc. Trong khi Âu Châu đang rối bời, hành động này của Quốc Hội Anh có tính cách phá đám không phải chỗ. Vả lại, ngay cả nếu chính phủ có thua, một chuyện không thể xảy ra vì cả hai đảng Lao Ðộng và Dân Chủ Cấp Tiến đều chống, thì cũng có sao đâu. Cuộc bỏ phiếu này không có tính ép buộc.

Nhưng theo một số các nhà bình luận, sở dĩ có tình trạng nổi loạn trên chính là vì sự thù hận và thiếu niềm tin giữa lãnh tụ đảng và các vị dân biểu của chính đảng ông. Sự bất mãn của các dân biểu đối với ông Cameron đã có từ trước rồi. Sự bỏ phiếu tuần qua chỉ là một biểu hiệu mới mà thôi.

Vấn đề, theo một số vị dân biểu Bảo Thủ, chính là lối lãnh đạo “kẻ cả” của ông thủ tướng. Ông Tony Blair cũng là một vị thủ tướng mà chính sách đi ngược lại rất nhiều nguyện vọng của đảng viên và các vị dân biểu trong đảng. Nhưng ông Blair khôn hơn ông Cameron. Trong “nội các nhà bếp” tức là nhóm tín cẩn của ông, bao giờ cũng có một số những nhân vật của phe bên kia. Họ khuynh tả hơn ông Blair, nhưng nhờ họ là bạn bè lâu năm và hiểu thấu tình hình trong đảng nên ông Blair chọn họ. Trong khi đó, các phụ tá của ông Cameron cũng coi thường các vị dân biểu “ngồi hàng ghế sau” như chính ông thủ tướng của họ vậy.

Còn có thêm một lý do nữa làm các vị dân cử thuộc đảng Bảo Thủ ấm ức. Ông Tony Blair, mặc dầu bất đồng ý kiến với đảng của ông ta rất nhiều, nhưng mãi đến cuối trào ông thì sự tức giận trong nội bộ mới lộ diện, trong khi đó ông Cameron mới nhậm chức có 18 tháng mà đã bị tấn công. Ðiều đó chính là vì ông Blair có tài thắng cử. Các dân biểu Bảo Thủ vẫn còn tức là ông Cameron đã không thắng nổi cuộc bầu cử, mặc dầu tình thế đảng Lao Ðộng đang rất yếu kém, bị dân chúng chán sau hơn một thập niên cầm quyền, cộng với bất mãn về tình hình kinh tế. Ông Cameron chỉ lên cầm quyền vì đã ve vãn được đảng Dân Chủ Tự Do thành lập chính phủ liên hiệp.

Một nhà bình luận trên tờ The Economist viết: “Ngay cả các ông dân biểu khó chịu nhất cũng chấp nhận một sự kiêu căng và tách rời từ lãnh đạo đảng nếu lãnh đạo thắng cử. Ông Cameron và đám cố vấn nhỏ của ông đã không đạt được điều mà nhiều người cho là quá dễ thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.”

Dĩ nhiên cuộc nổi dậy này sẽ chưa là vết thương chí tử cho ông thủ tướng. Dân chúng rồi sẽ quên đi. Nhưng ý nghĩa chính của sự nổi loạn này nằm ở việc nó đã lộ ra một vấn đề cố hữu vốn có thể trở thành vết thương mưng mủ cho đến khi nó có thể làm tiêu tan chính phủ của ông Cameron. Từ nay ông không thể cứ nghĩ là các dân biểu của ông, dầu tức giận đến đâu, cũng không làm gì để lật đổ một chính phủ Bảo Thủ. Bởi số vị dân cử được bầu vào năm 2010 của đảng Bảo Thủ, cũng hơi giống mấy vị dân biểu Tea Party, có những định kiến chủ thuyết rất quyết liệt mà lại đồng thời không màng sự nghiệp chính trị đủ để tuân lệnh lãnh đạo.

Rồi đây cái khuynh hướng “Eurosceptics” sẽ càng mạnh lên và ở một lúc nào đó nó sẽ làm cho đảng Bảo Thủ rời xa quần chúng Anh, vốn không quá cực đoan như họ. Ðó là liều thuốc tự tử của đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét