Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

migration watch uk

Báo cáo di dân tị nạn vào Anh quốc

Lê Hải, NgườiRơmUK.blogspot.com

Tổ chức theo dõi di dân ở Anh, Migration Watch UK vừa đưa ra báo cáo (23.VIII.2011) về tình trạng tị nạn vào nước Anh từ 1997 đến 2010 vừa qua (http://www.migrationwatchuk.org/briefingPaper/document/238), ghi nhận tổng chi phí đã tiêu tốn từ ngân sách cho vấn đề này từ 1999 đến nay vào khoảng 10 tỷ bảng Anh, bao gồm cả chi phí tư vấn pháp lý và tòa án. Báo cáo này tiếp tục tạo ra các tranh cãi về hệ thống xử lý di dân tại nước Anh.

Tổng quan từ báo cáo ghi nhận tình trạng hỗn loạn trong hệ thống bị quá tải khi xử lý lượng hồ sơ quá nhiều, cho nên kết quả khảo sát cũng chỉ là sơ bộ. Tổng cộng có 660.000 bộ hồ sơ được xét và 23% số người xin tị nạn bị trục xuất hoặc tự nguyện hồi hương. Trong số 77% người ở lại thì quá nửa là trong tình trạng bất hợp pháp. Phân tích thống kê của Bộ nội vụ cho giai đoạn 2004-2009 nói 23% lượng người xin tị nạn được cấp quyền ở lại (gồm cả các hồ sơ qua kháng kiện ở tòa án) và thêm khoảng 10% khác được hưởng một số dạng cư trú khác, 62% bị bác, và 6% vụ việc chưa có kết quả hoặc không biết kết quả như thế nào. Trong giai đoạn 2008-2010, có đến 59% hồ sơ tị nạn chỉ được lập sau khi đương sự bị phát hiện, cho thấy việc xin tị nạn không phải lý do hàng đầu trong việc họ tới nước Anh. Để so sánh, thống kê từ Eurostat cho năm 2010 cho thấy ở Pháp có 14% hồ sơ được cấp quyền tị nạn ngay ở cấp đầu tiên so với 27% ở Anh. Trong năm 2009 tỷ lệ tương tự ở Pháp là 19% và ở Anh là 28%.

Tổ chức chuyên giúp đỡ người tị nạn ở Anh là Refugee Council sau đó đã đưa ra bình luận (của tổng giám đốc điều hành Donna Covey http://www.refugeecouncil.org.uk/news/archive/press/240811_press_statement_migration_watch_asylum_system) cho rằng "báo cáo của Migration Watch không nói rõ nhiều người bị từ chối tị nạn ở Anh về cá nhân là không thể về nước, ví dụ như Iraq và Zimbabwe, vì tình trạng ở đó tiếp tục bất ổn, cho nên sống ở đây trong tình trạng như là giam lỏng, không có quyền lao động và cũng không có nguồn sống. Chính phủ nên có giải pháp cho phép họ đi làm để có thể tự lo cho bản thân và cũng có lợi cho người đóng thuế."

Sau thất bại về dự luật ân xá do đảng Lib-Dem đưa ra trong mùa bầu cử 2010, nay câu chuyện tìm giải pháp cho phép người xin tị nạn có quyền lao động đang dần quay trở lại chính trường Anh, mở ra tia hi vọng cho nhiều người rơm Việt Nam ở đây.

Độc giả quan tâm đến Tài liệu về Thủ tục xin Tị nạn sắp được xuất bản bằng tiếng Việt xin mời liên hệ qua email với nguoiromuk@gmail.com hoặc cập nhật trang mạng nguoiromuk.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét