Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Tuyệt thực phản đối trục xuất

Trại giữ người chờ trục xuất ở Lincolnshire đang được đặt trong tình trạng đặc biệt vì cuộc tuyệt thực phản đối trục xuất. UKBA cho biết có 18 công dân Afghanistan tham gia tuyệt thực vì không muốn bị trả về nước. Một người đại diện cho nhóm tuyệt thực nói họ đã rời Afghanistan từ 8-10 năm trước và nơi đó không an toàn để sống, nay họ không ăn không uống gì từ chiều tối qua. Người quản lý trại Morton Hall công nhận là đang diễn ra cuộc biểu tình ôn hòa trong trại.

Trong một diễn biến khác, UBKA bị kiện vì đã giam và trục xuất một giáo sĩ Hồi giáo, và bị cáo buộc đã vi phạm nhân quyền vì không thông báo cho người bị trục xuất biết về quyết định trục xuất bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của người đó.

Vậy mà cũng có những người cả năm trời không thể trục xuất và cũng không thể giam vào trong trại. Nghị sĩ Margot James phát hiện thấy ở bệnh viện Russels Hall ở Dudley có một người đàn ông Pakistan nằm viện 1 năm qua. Người này đã hết hạn visa 4 năm trước nhưng không về nước, và bị suy tim phải chữa trị. Nay ông đã khỏi nhưng cần phải có y tá trợ giúp hàng ngày, mà các trại trục xuất không thể bảo đảm dịch vụ đó cho nên UKBA vẫn gửi ông ta trong bệnh viện trong lúc chờ thủ tục đưa về nước.

Đang phải gánh chịu nhiều chỉ trích từ quốc hội và dư luận, UKBA tăng cường các cuộc kiểm tra, lùng bắt và phạt 10.000 bảng các chủ lao động thuê nhân công người rơm. Mới đây trong một chiến dịch ở Cornwall có 5 người bị bắt mà 1 người là người Việt Nam, 26 tuổi, ở Truro. Tờ báo địa phương nói người này bị bắt tại tiệm Spa Nails trên đường River Street, do có nguồn tin chỉ điểm.


Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Heathrow

Cửa khẩu Heathrow bị chỉ trích

Cơ quan quản lý các cảng hàng không BAA kịch liệt chỉ trích việc cửa khẩu ở sân bay Heathrow làm chậm trễ thời gian nhập cảnh của du khách, có người phải chờ đến một giờ rưỡi mới xong thủ tục. BAA đã đầu tư hàng tỷ bảng Anh vào nâng cấp sân bay Heathrow, nói rằng việc chậm trễ đó là "không thể chấp nhận" và cảnh báo như vậy sẽ làm nguy hại cho kinh tế London.

Song song đó, các nghị sĩ quốc hội cũng lên tiếng, rằng không chỉ du khách mà ngay cả giới doanh nhân cũng phải chờ rất lâu để làm thủ tục nhập cảnh vào Anh quốc. Baroness Kramer nguyên là nghị sĩ của vùng Richmond Park nói "có lẽ UKBA nên đổi chính sách sao cho những người không mang hộ chiếu Anh có thể nhập cảnh trong thời gian ít hơn một giờ rưỡi. Còn Baroness Valentine là tổng giám đốc điều hành hiệp hội kinh doanh London First nói rằng "chậm trễ 2 giờ đồng hồ để vào nước Anh đơn giản là không ổn, UKBA cần đặt mục tiêu cao hơn và biện pháp thực hiện, đặc biệt là trước Thế vận hội". Nghị sĩ đối lập phụ trách giao thông Maria Eagle nói "chuyện đó làm xấu uy tín của nước Anh và không giúp gì cho việc thu hút đầu tư và kinh doanh". Thế nhưng thứ trưởng phụ trách xuất nhập cảnh Damian Green thì khẳng định rằng UKBA đã đạt mục tiêu làm thủ tục nhập cảnh cho 95% người không mang hộ chiếu Anh trong 6 tháng đầu năm.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Asylum cases

Hồ sơ tị nạn bị xếp xó
Trong trường hợp UKBA chậm giải quyết hồ sơ tị nạn thì người nộp đơn cứ ung dung sống trên đất Anh và bất kể kết quả xét duyện như thế nào vẫn có thể chờ đến đủ ngày sẽ được cấp thẻ định cư và sau đó là quốc tịch theo luật di trú.

Hồi năm 2006, người ta phát hiện ra từng có nửa triệu bộ hồ sơ bị bỏ quên trong hộp. Nay bộ nội vụ hoan hỉ thông báo đã giải quyết xong sau 5 năm làm việc. Thế nhưng theo tờ MailOnline thuật lời quyền lãnh đạo UKBA là Jonathan Sedgwick thì trong số đó có tới 98.000 hồ sơ nay không biết đương sự đang sống ở đâu. Hồi đó báo Daily Mail đã dự tính có chừng 160.000 người sẽ được quyền ở lại theo thể lệ ân xá như vừa mô tả ở trên. Nay thì họ có thể vui vẻ kiểm chứng phỏng đoán của mình. Tổng cộng có 172.000 hồ sơ được cấp giấy ở lại, được khai tiền trợ cấp. Ngoài việc có thể ở lại sau thời gian dài sống ở nước Anh, đương sự còn có thể ở lại trong điều kiện có gia đình và có con trên đất Anh, hoặc không thể trở về nước theo điều 8 của bộ luật về nhân quyền.

Tính ra trong số nửa triệu người nộp hồ sơ khi đó thì tổng cộng chỉ có 37.500 người bị trục xuất mà thôi. Câu chuyện được đưa ra quốc hội và Sir Andrew Green là chủ tịch hội Migrationwatch nói "đây là câu chuyện thuộc loại đáng xấu hổ nhất trong lịch sử Bộ nội vụ, chưa nói gì đến khoản chi phí kinh khủng từ túi người đóng thuế". Trước ủy ban về nội vụ của quốc hội, lông Sedgwick còn cho biết thêm là vẫn còn 18.000 bộ hồ sơ "không thể đi đến quyết định". Ủy ban chỉ trích về khoản tiền 4 triệu bảng chi tiêu vượt mức vào năm ngoái, cùng với 14 triệu bảng tiền bồi thường cho các vụ kiện tụng. UKBA đang chịu sức ép phải cải tổ hệ thống cấp tị nạn, giải quyết số hồ sơ tồn đọng, giảm chi phí và tăng tốc độ làm việc.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

IRC record

Kỷ lục sống trong trại tị nạn

Phóng viên Gareth Rose chuyên về nội vụ của báo Scotland on Sunday phát hiện thấy có hai người đàn ông bị giữ ở trại Dungavel chờ ngày trục xuất đã mòn mỏi hơn 2 năm 4 tháng qua. Nhiều người khác cũng phải sống vật vờ ở đây trên một năm. Vấn đề mà tác giả bài báo cho rằng độc giả người Anh sẽ bị sốc nặng là số tiền tiêu tốn để giam giữ tổng cộng 13 người thuộc dạng này ở đây lên đến nửa triệu bảng Anh.

Hiện nay các khu trại tạm giữ chờ trục xuất hay còn gọi là IRC - Immigration Removal Centre là do các công ty tư nhân điều hành và thu tiền quản lý. Cứ mỗi một người sống trong trại một ngày thì các công ty - ví dụ như là G4S đang quản lý trại Dungavel - nhận được 110 bảng. Từ hình thức kinh doanh đặc biệt này, nhiều công ty dựng trại ở nơi hoang vắng xa khu dân cư, gần góc khuất của sân bay, hay nằm giữa khu công nghiệp. Trại Yarlswood chuyên dành riêng cho phụ nữ ở gần Bedford nằm ngay cạnh xưởng chế tạo xe đua bí mật của Anh Red Bull.

Trong bối cảnh ngân sách ngày càng phải cắt giảm thêm nữa và kinh tế toàn nước Anh tiếp tục gặp khó khăn, người ta bắt đầu bàn nhiều đến chuyện có nên tốn kém tiền trong việc tạm giữ những người chờ trục xuất hay không, bên cạnh các vấn đề về nhân quyền, nhân đạo, tâm lý và luật lệ. Bản thân công ty G4S là nơi chuyên kinh doanh bằng dịch vụ giam giữ và trục xuất người di cư bất hợp pháp cho UKBA thì hiện cũng đang bị giới nhân quyền quan sát kỹ, đặc biệt sau vụ những nhân viên áp tải của cơ quan này sử dụng còng tay không cần thiết và có thái độ phân biệt chủng tộc, coi thường những người bị họ áp tải về nước.

http://scotlandonsunday.scotsman.com/scotland/Dungavel-detainees-cost-taxpayers-05m.6834131.jp

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

removal

Trục xuất
Vietnam Airlines có đường bay trực tiếp nối Hà Nội với London chắc chắn sẽ giúp chính phủ Anh tăng thành tích trục xuất người Việt nhập cư trái phép về nước. Hãng hàng không Việt Nam có lẽ cũng sẽ sốt sắng với dịch vụ này vì mỗi chuyến bay trục xuất ngoài một vé 1 chiều cho người bị trục xuất họ còn bán được thêm hai vé 2 chiều cho người của UKBA bay kèm. Thế nhưng trước ngày lên máy bay, người bị trục xuất có thế làm được rất nhiều điều bao gồm cả khiếu kiện để được cấp thẻ định cư và ở lại nước Anh vĩnh viễn, như đã từng có trường hợp thành công.

Đầu tiên, chính phủ Anh phân biệt hai cấp độ trục xuất người. Cấp cao nhất là deportation dành cho tội phạm và những người trực tiếp gây nguy hại đến lợi ích của nước Anh, trục xuất kèm thời hạn cấm quay trở lại nước Anh. Cấp thấp hơn và thường gặp trong trường hợp di dân bất hợp pháp là admnistrative removal, hay còn thường được gọi là IS151 qua số hiệu của mẫu hồ sơ qui định tại UKBA (chương 51), như có thể đọc toàn văn trên mạng ở địa chỉ http://www.ukba.homeoffice.gov.uk/sitecontent/documents/policyandlaw/enforcement/detentionandremovals/chapter51?view=Binary. Văn bản này được lập theo qui định trong phần 10 của bộ luật năm 1999 (gọi là section 10 1999 Act).

Thông thường trong trường hợp ra khai báo và nhận là đã ở lại nước Anh quá hạn visa, hay vượt biên vào nước Anh, thì đương sự nhận được quyết định trục xuất theo mẫu IS151A. Người nhận được mẫu -A này hoàn toàn có quyền xin tị nạn chính trị hay xét hoàn cảnh nhân đạo hay trường hợp đặc biệt để được ở lại. Khi đó quyết định này hết hiệu lực. Quá trình khai báo và xét duyệt đơn có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm và nhiều người vẫn được tự do đi lại và chờ kết quả ở bên ngoài, nhận thư trả lời qua luật sư. Nếu hồ sơ xin tị nạn bị bác thì sẽ nhận được quyết định trục xuất theo mẫu IS151B. Khi nhận được mẫu -B này thì đương sự có 10 ngày (nếu đang bị giam thì là 5 ngày) làm việc để kháng nghị. Trường hợp không còn gì cản trở thì UKBA mới có thể ra lệnh trục xuất bằng mẫu IS151D. Khi đã nhận được mẫu -D này thì mới thực sự hết đường khiếu kiện và giải quyết vụ việc qua đường giấy tờ, nhưng chưa hoàn toàn hết hi vọng về con đường ở lại nước Anh của mình.

Xuyên suốt qua các mẫu đơn IS151-series, lý do của việc trục xuất phải được nêu rõ và ngoài việc khiếu kiện lại lý do này, đương sự còn có thể đề nghị UKBA cân nhắc đến các yếu tố nhân đạo hay hoàn cảnh (compassionate) như trong các điều khoản 395C và từ 365 đến 368 trong trường hợp thân nhân. Trên mẫu quyết định cũng sẽ hướng dẫn đầy đủ các điều luật căn cứ và hình thức khiếu kiện cũng như các luật lệ có liên quan. Thường thì mẫu IS151A part 2 và IS151B là yếu tố đủ để khiếu kiện hành chính. Cũng phần 10 của bộ luật năm 1999 qui định về hình thức tạm giữ, đưa vào trại trục xuất và điều kiện để tại ngoại (bail) trong thời gian này.

Trong một thời gian dài UKBA dùng kỹ thuật bắt người vào 4h sáng rồi đưa thẳng ra sân bay trục xuất về nước, nhưng quyết định của tòa án vào năm 2010 đã khiến các nhân viên của bộ nội vụ phải dè dặt hơn và dành cho người bị trục xuất nhiều thời gian hơn để khiếu nại cũng như nhận thức về hoàn cảnh của mình và liên lạc tìm cố vấn pháp lý. http://www.qarn.org.uk/homepage/2010/07/26/a-high-court-judge-ordered-the-ukba-to-stop-removing-foreign-nationals-from-the-uk-with-little-or-no-warning/ Theo đơn của tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ y tế cho người bị giữ trong các trại trục xuất là Medical Justice, quan tòa Cranston ra phán quyết không cho phép UKBA trục xuất người trong thời gian ít hơn là 72 giờ đồng hồ kể từ khi trao quyết định. Cũng tổ chức này vào năm 2008 đã vận động thành công cho một người Uganda được quay trở lại và nhận thẻ cư trú là nhờ UKBA trước đó làm sai qui định, trục xuất gấp gáp không báo trước.

Có những trường hợp đã bị bắt vào trại chờ ngày về nước nhưng cả năm trời vẫn chưa về, và có thể chờ đến hạn được tự động ân xá nếu ở trên đất Anh quá 14 năm theo qui định. http://www.independent.co.uk/news/uk/home-news/twothirds-of-detainees-are-never-deported-2089980.html Một khảo sát kéo dài hơn 1 năm trời vào 2010 ghi nhận trong 3 người bị giữ ở trại trục xuất (IRC-Immigration Removal Center) thì chỉ có 1 người bị về nước mà thôi, do các trở ngại về liên lạc giữa hai cấp chính phủ, ngoại giao, và chính sách di dân của các nước. Một số quốc gia e ngại Trung Quốc vì nước này nổi tiếng là không chịu nhận di dân trái phép quay trở về. Cũng có khá nhiều người Việt sống thời gian dài trong các trại trục xuất mà vẫn chưa biết ngày về. Một số trường hợp thì chuyển tâm trạng sang mong đến ngày về nước.

Các bạn quan tâm đến thủ tục xin tị nạn có thể liên hệ với Refugee Council hoặc tìm đọc tài liệu giải thích qui trình xin tị nạn, liên hệ qua địa chỉ email nguoiromuk@gmail.com. Bạn cũng có thể liên lạc với cơ quan tư vấn pháp luật cộng đồng Community Legal Advice qua số điện thoại 0845-609-66-77 (đây là số máy theo trang mạng tư vấn của chính phủ www.direct.gov.uk, còn số máy in trên tài liệu phát tại các văn phòng tư vấn là 0845-345-345, ngoài ra người có điện thoại cầm tay cũng có thể nhắn tin có nội dung legalaid vào số 80010 và trong vòng 24 giờ đồng hồ người của văn phòng sẽ gọi điện lại) hoặc viết thư về PO BOX 10027, Hinckley LE10 9EL, hoặc email vào địa chỉ emailhelp@communitylegaladvice.org.uk, hay là truy cập trực tiếp vào trang mạng của họ communitylegaladvice.org.uk, có phiên dịch miễn phí để tư vấn pháp lý với 170 ngôn ngữ. Một trong số những cách để đảo ngược quyết định trục xuất là chứng minh pháp lý về khả năng lệnh trụng xuất vi phạm nhân quyền, mà vụ việc có thể được đưa lên tòa nhân quyền châu Âu. Ngay cả trong trường hợp lệnh trục xuất không cho phép đương sự được khiếu nại thì bạn vẫn có quyền yêu cầu một quan tòa xem qua hồ sơ coi có chỗ nào không hợp lệ hay không, gọi là judicial review. Khi bị giữ trong trại trục xuất, đương sự có thể liên hệ với các tổ chức giúp đỡ để đòi quyền tại ngoại (bail), mà một trong trong những cơ quan thường gặp là Bail for Immigration Detainees, số điện thoại 020-7247-3590, trang mạng www.biduk.org thường xuyên cập nhật các vụ việc mới nhất có thể dùng làm ví dụ để khởi động thủ tục bảo lãnh ra ngoài.

Trong trường hợp Người rơm Việt Nam ở Anh muốn tự nguyện hồi hương thì có thể liên hệ với Tổ chức quốc tế về Di dân hay còn thường được gọi là IOM (International Organisation for Migration) để được trợ giúp tiền xin cấp hộ chiếu, tiền vé máy bay, và cả tiền để bắt đầu cuộc sống mới tại quê nhà, thay đổi chỗ ở. Trang mạng của IOM ở Anh là www.iomuk.org, số điện thoại 020-7233-0001, email iomuk@iom.int, (địa chỉ cũ 21 Westminster Palace Gardenes, Artillery Row, London SW1P 1RR) địa chỉ mới theo cập nhật trên mạng, cũng gần văn phòng cũ, là 11 Belgrave Road, London SW1V 1RB, điện thoại 020-7811-6011, gần ga Victoria và phòng vé của Vietnam Airlines. Cơ quan IOM ở Anh không thể trợ giúp cho trường hợp bị bị UKBA trục xuất theo diện deportation.


migration watch uk

Báo cáo di dân tị nạn vào Anh quốc

Lê Hải, NgườiRơmUK.blogspot.com

Tổ chức theo dõi di dân ở Anh, Migration Watch UK vừa đưa ra báo cáo (23.VIII.2011) về tình trạng tị nạn vào nước Anh từ 1997 đến 2010 vừa qua (http://www.migrationwatchuk.org/briefingPaper/document/238), ghi nhận tổng chi phí đã tiêu tốn từ ngân sách cho vấn đề này từ 1999 đến nay vào khoảng 10 tỷ bảng Anh, bao gồm cả chi phí tư vấn pháp lý và tòa án. Báo cáo này tiếp tục tạo ra các tranh cãi về hệ thống xử lý di dân tại nước Anh.

Tổng quan từ báo cáo ghi nhận tình trạng hỗn loạn trong hệ thống bị quá tải khi xử lý lượng hồ sơ quá nhiều, cho nên kết quả khảo sát cũng chỉ là sơ bộ. Tổng cộng có 660.000 bộ hồ sơ được xét và 23% số người xin tị nạn bị trục xuất hoặc tự nguyện hồi hương. Trong số 77% người ở lại thì quá nửa là trong tình trạng bất hợp pháp. Phân tích thống kê của Bộ nội vụ cho giai đoạn 2004-2009 nói 23% lượng người xin tị nạn được cấp quyền ở lại (gồm cả các hồ sơ qua kháng kiện ở tòa án) và thêm khoảng 10% khác được hưởng một số dạng cư trú khác, 62% bị bác, và 6% vụ việc chưa có kết quả hoặc không biết kết quả như thế nào. Trong giai đoạn 2008-2010, có đến 59% hồ sơ tị nạn chỉ được lập sau khi đương sự bị phát hiện, cho thấy việc xin tị nạn không phải lý do hàng đầu trong việc họ tới nước Anh. Để so sánh, thống kê từ Eurostat cho năm 2010 cho thấy ở Pháp có 14% hồ sơ được cấp quyền tị nạn ngay ở cấp đầu tiên so với 27% ở Anh. Trong năm 2009 tỷ lệ tương tự ở Pháp là 19% và ở Anh là 28%.

Tổ chức chuyên giúp đỡ người tị nạn ở Anh là Refugee Council sau đó đã đưa ra bình luận (của tổng giám đốc điều hành Donna Covey http://www.refugeecouncil.org.uk/news/archive/press/240811_press_statement_migration_watch_asylum_system) cho rằng "báo cáo của Migration Watch không nói rõ nhiều người bị từ chối tị nạn ở Anh về cá nhân là không thể về nước, ví dụ như Iraq và Zimbabwe, vì tình trạng ở đó tiếp tục bất ổn, cho nên sống ở đây trong tình trạng như là giam lỏng, không có quyền lao động và cũng không có nguồn sống. Chính phủ nên có giải pháp cho phép họ đi làm để có thể tự lo cho bản thân và cũng có lợi cho người đóng thuế."

Sau thất bại về dự luật ân xá do đảng Lib-Dem đưa ra trong mùa bầu cử 2010, nay câu chuyện tìm giải pháp cho phép người xin tị nạn có quyền lao động đang dần quay trở lại chính trường Anh, mở ra tia hi vọng cho nhiều người rơm Việt Nam ở đây.

Độc giả quan tâm đến Tài liệu về Thủ tục xin Tị nạn sắp được xuất bản bằng tiếng Việt xin mời liên hệ qua email với nguoiromuk@gmail.com hoặc cập nhật trang mạng nguoiromuk.blogspot.com

Tài liệu về Thủ tục Khai tị nạn

Sau một thời gian tạm gián đoạn hoạt động, nay tạp chí Người rơm UK tiếp tục hoạt động đều đặn trở lại. Thời gian qua chúng tôi phải dành nhiều thời gian để vận động cho bộ luật ân xá hàng loạt cho người rơm Việt Nam ở Ba Lan, sau thất bại trong cuộc vận động tương tự trong năm 2010 tại Anh. Tài liệu phát không hàng tuần tại các cửa hàng thực phẩm Việt Nam cũng ngưng phát hành vì một số nơi vất bỏ, không đến được tay người cần đọc trong khi có những người đã bỏ rất nhiều tiền tài trợ in ấn.

Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị in Tài liệu về Thủ tục Khai tị nạn cho Người rơm ở Anh, các bạn có nhu cầu đọc xin liên hệ với số máy 07854-920-023.