Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Oakington

BBT: Vài tháng qua ấn bản Người Rơm không có cơ hội đến với bạn đọc vì một số biến động và khó khăn. Nhưng trong thời gian đó nhóm chúng tôi vẫn tiếp tục công việc vận động và dù con đường đi đến một bộ luật ân xá vẫn còn xa, trước mắt có thể chúc mừng một số cá nhân từ nay đã được bỏ áo Người Rơm và chuẩn bị thi vào quốc tịch Anh. Con đường của những Người Rơm còn lại sẽ thêm khó khăn vì Việt Nam đã nhận viện trợ của Anh để xây trung tâm tạm dung ở Nội Bài, rút ngắn thời gian trục xuất. Dư luận và sức ép chính trị sẽ khiến Cục biên phòng Anh tăng số lượng các vụ bắt giữ và trục xuất trong tương lai. Nội dung các số báo tới cũng sẽ nhắm vào cách cho lời khai để có lợi cho các bạn Người Rơm hơn là Bộ nội vụ khi phải ra tòa phân xử. Con đường vào trại Oakington không phải là dấu chấm hết mà chỉ mới là điểm bắt đầu cho cuộc tranh đấu pháp lý đòi quyền cư trú trên đất Anh của bạn.


Thư độc giả
Câu chuyện Trại Oakington
BBT: Đây là câu chuyện kể lại của một Người Rơm, sau khi bị bắt và bác đơn tị nạn, phải trình diện trờ ngày trục xuất về Việt Nam, đã vượt qua mọi trở ngại trong con đường đòi quyền lợi để có được quyền cư trú cho bản thân và tiếp theo là quốc tịch cho vợ con.

Sau khi thất bại trong việc chứng minh về chổ ở với những nhân viên Cục Di Dân ở Croydon. Tôi đã được một nhân viên cùng với người phiên địch Việt Nam mời vào phòng nhỏ. Ở đó đã có sẵn 1 người đang chờ tôi, khi người nhân viên ấy bước tới thì tôi đã có 1 linh cảm không may, người ấy bắt đầu rà soát & kiểm tra đồ đạc trong túi sách mà tôi mang theo. Người ấy đã giữ lại tất cả từ dây nịt, ví tiền, điện thoại... chỉ cho tôi cầm theo những giấy tờ hồ sơ mà tôi mang theo để đi trình diện. Tiếp theo, họ đọc & đưa cho tôi xem một tờ giấy với nội dung là tôi đã vi phạm ở quá hạn tại Anh Quốc nên họ phải buộc giữ tôi lại & chuyển đến trại ở Oakington gần Cambrigde, ở đó sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ xin tỵ nạn của tôi.

Khi nghe đến đây tôi thật sự bắt đầu cảm thấy lo sợ, giọng nói có vẻ run lên. Nhân viên Cục Di Dân trấn an tôi: “Ở đấy không phải là nhà tù mà ở đó chỉ là nơi tạm giam giữ những người đang chờ xin tỵ nạn tại Anh Quốc, ở đấy anh có thể được cung cấp các bữa ăn trong ngày, được đi lại tự do...”. Sau cùng, bà ấy hỏi tôi có yêu cầu gì không thì tôi yêu cầu được gọi điện thoại ra ngoài báo cho bạn gái biết là bị tạm giữ (bạn gái của tôi đã đi cùng & chờ tôi từ 6h sáng ở bên ngoài văn phòng Home Office). Và tôi cũng yêu cầu cần thứ gì để ăn vì từ sáng sớm đến giờ tôi chưa có ăn gì cả. Những yêu cầu của tôi đều được đáp ứng đầy đủ. Sau đó họ mời tôi vào một căn phòng nhỏ trong đó đã có sẵn một người Afghanistan và một người Nigeria. Nhìn trên khuôn mặt của những ai trong căn phòng này đều hiện lên vẻ buồn bã. Khi đến gần cuối giờ (lúc đó là khoảng 5h chiều) thì có thêm 4 người đàn ông khác cùng đến. Tất cả chúng tôi đều đến từ những quốc gia khác nhau. Có những người mới đặt chân đến Anh Quốc chỉ vài ngày thôi.

Tôi đang quan sát qua lớp kính ngăn căn phòng mà chúng tôi đang ở bên trong, thì thấy có khoảng thêm vài nhân viên đều mặc đồng phục của Công ty G4S đến kiểm tra đồ & giấy tờ của chúng tôi. Sau đó, họ nói là xe đã sẵn sàng để đưa chúng tôi đến trại Oakington, chuyến đi mất khoảng 3 tiếng nên mọi người nên tranh thủ đi vệ sinh trước khi lên xe. Khi vào trong này thì tôi mới biết được là Công ty G4S là 1 công ty chuyên giam giữ & di chuyển những người tỵ nạn hay tội phạm ở Anh Quốc. Họ rất kỹ càng trong việc dẫn người ra 1 chiếc xe chờ sẵn ở dưới chân cầu thang, lúc nào cũng 2 người kèm 1 người cả.

Xe lăn bánh cũng là lúc trời khá tối vì ở đây đã vào mùa đông rồi, khi ngồi trên xe tôi cứ suy nghĩ không biết bạn gái tôi làm sao có thể về nhà một mình khi không có tôi đi cùng. Chắc bạn gái tôi sẽ khóc nhiều lắm. Và những cô chú, bạn bè mà tôi quen biết sẽ rất hốt hoảng khi biết được tin này. Càng nghĩ chỉ càng thêm buồn thôi nên tôi cũng tự an ủi bản thân mọi chuyện sẽ không sao. Mong rằng khi bạn gái tôi liên lạc với luật sư thì họ sẽ có cách để bảo lãnh tôi ra ngoài.

Sau khoảng 3 tiếng, thì chúng tôi cũng đã đến được chỗ cần đến. Khi chiếc xe dừng bánh thì chúng tôi được đưa vào một văn phòng khá lớn. Ở đây chúng tôi được cung cấp bánh mì và nước uống. Mọi người theo thứ tự được kiểm tra sức khỏe, hỏi về thông tin cơ bản về bản thân, lấy vân tay, chụp hình làm thẻ ID ở trong trại, rồi được một cuộc gọi điện thoại ra bên ngoài để cung cấp số phòng và số giường cho người thân, để khi nào bên ngoài muốn gọi vào thì nhân viên trong trại biết mà kêu mình nghe điện thoại. Họ lại rà soát người rồi giữ lại và cất ở một nơi an toàn những thứ không được mang vào trại, chỉ đưa lại cho tôi những thứ được phép (như tiền, sách, điện thoại không có chụp hình và internet...). Nếu ai xong những thủ tục ban đầu thì được người của nhân viên dẫn vào trong 1 trại rất lớn với hàng rào cao & đầy dây kẽm gai.

Vào khi đó, trời khá tối nên tôi chưa được nhìn kỹ quang cảnh xung quanh nhưng cũng thấy được rất nhiều tòa nhà hai tầng khắp cả một khu rộng lớn. Khi nhận được những đồ dùng cá nhân và đến được chiếc giường bề ngang 1m bề dài 1m8 thì đồng hồ cũng đã gần 12h khuya. Cả đêm đấy tôi không thể nào chộp mắt được vì trong đầu suy nghĩ rất nhiều vấn đề. Nghĩ về những giấy tờ mà tôi mang đi khai, nghĩ làm sao có thể thích nghi được cuộc sống ở nơi này? Nghĩ liệu mình có bị trục xuất về Việt Nam không?...Và cuối cùng tôi cũng phải chấp nhận là mình đang bị tạm giam giữ. (Còn tiếp)

Khu trại trục xuất di dân Oakington
LS Đức Lâm, London

Khu căn cứ của Không quân hoàng gia được chuyển thành trại giam người chờ trục xuất ở Cambridge, mạn đông bắc London, chỉ là một trong số hơn mười trung tâm giam giữ người chờ trục xuất của UK Border Agency.
Oakington là trung tâm giam di dân chờ trục xuất theo luật qui định năm 2001, nhưng theo kế hoạch hiện chưa rõ người ta sẽ còn duy trì hoạt động của địa điểm này đến bao giờ. Trung tâm này do công ty G4S vận hành theo hợp đồng với UK Border Agency và thông tin cơ bản có thể truy cập trên trang nhà của cơ quan này http://www.bia.homeoffice.gov.uk/managingborders/immigrationremovalcentres/oakingtonremovalcentre.
Thân nhân có thể đến thăm người thân bị nhốt trong trung tâm này bằng cách đi xe lửa từ London Kings Cross đến Cambridge rồi tìm chuyến xe buýt đặc biệt từ ga đến đây, khởi hành vào các giờ 08:45, 09:45, 11:15, 12:45, 13:45, 15:15, 16:30, 18:00 hoặc đi taxi tốn khoảng 15 bảng. Trước đó 24 giờ đồng hồ người vào thăm phải liên hệ bằng email hoặc điện thoại (01954-783-194) để lấy hẹn, đem theo hộ chiếu hoặc bằng lái cùng một giấy tờ chứng minh địa chỉ (utility bill). Giờ thăm thân được chia thành ba quãng thời gian, từ 09:30 đến 11:30, hay từ 14:00 đến 17:00, và từ 18:00 đến 21:00.
Trên nước Anh có 11 trung tâm giữ người như vậy. Ngoài Oakington như được mô tả còn có Tinsley House và̉ Brook House ở gần sân bay Gatwick, Harmondsworth và Colnbrook ở gần sân bay Heathrow, trung tâm Dover ở khu cảng biển với nước Pháp, hay các khu Dungavel, Lindholme, Yarl’s Wood, Haslar, và Campsfeld. Cơ quan UK Border Agency trực tiếp quản lý hai trung tâm ở Oxfordshire và Bedfordshir với tổng cộng 800 và 500 giường ngủ. Về nguyên tắc, việc giữ người trong các trung tâm này bất kể do chính Border Agency hay bên ngoài thực hiện, đều phải tuân thủ các qui định bao gồm đủ những gì có thể làm và không được làm đối với người bị giữ, từ kiểm tra an ninh cho đến dùng vũ lực, lẫn qui trình kiểm tra, thanh tra và an ninh. Trong chính sách của chính phủ Anh, các trung tâm giam giữ sẽ giúp tăng tốc quá trình trục xuất người nước ngoài, và có kế hoạch xây một trung tâm kiểu như vậy ở Nội Bài, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét