Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Mot lan gap canh sat Bo noi vu

Một lần gặp cảnh sát Bộ nội vụ

BBT: Hệ thống cảnh sát nước Anh khác với Việt Nam ở chỗ là chia thành từng khu vực riêng biệt, ví dụ Metropolitan Police phụ trách London, Transport Police phụ trách các tuyến đường giao thông mà chủ yếu là xe lửa. Khu vực hay được gọi là Home Office ở Croyden thực ra chỉ là một văn phòng của bộ nội vụ, chuyên trách xuất nhập cảnh, gọi là UK Border Agency. Cơ quan này từng được giới thiệu trên các số báo Người Rơm trước. Lực lượng coi như là cảnh sát của họ thường thực hiện các vụ bắt người và trục xuất, đặc biệt tập trung nhiều ở nơi người rơm thường phải đi khai báo là văn phòng Home Office UK Border Agency ở Croydon. Bài viết sau được một độc giả gởi đến chia sẻ.

Thỉnh thoảng lái xe ngang qua khu Croydon và con đường này trước cửa văn phòng Home Office, tôi hay thấy những người nước ngoài túm tụm trước cửa. Hôm nay có hẹn phải vào làm việc với một cơ quan của họ, tôi cho xe vào khu mua sắm Whitgift rồi đi bộ sang. Từ bên này đường, thấy một số người Ân Độ đứng nhìn ngó, tôi cũng đứng xem và chụp một tấm hình bằng điện thoại di động. Sang đến bên kia, cũng vào cửa như những người tị nạn, trình giấy mời, thì được nhân viên đứng ở cửa nói là nơi tôi cần vào là ở một cửa khác, phải đi một vòng.

Bất ngờ, một viên cảnh sát hay ít nhất là mặc cũng giống như vậy sấn sổ bước ra, tước ly cà phê tôi đang cầm trên tay, đòi tôi vào trong, dù người kia đã giải thích. Tôi thấy có chuyện kỳ lạ rồi. Rõ ràng là không phải bình thường. (Trước đó hình như viên cảnh sát này cũng gây gổ gì đó và đồng nghiệp phải kéo ra xe - tôi nhìn thấy trước khi đứng bên kia đường chụp ảnh tòa nhà. Có lẽ anh ta đòi tôi phải xóa ảnh chụp.)

Đúng như vậy. Anh ta đòi xem máy điện thoại. Anh ta xem xem và nói tôi không được chụp hình. Rồi còn xem qua cả những tấm hình tôi chụp ở nhà riêng, có vợ và con gái. Miệng lẩm bẩm, và có vẻ như còn nói chữ fxxk nữa, mà tôi nghe không rõ. Nên hỏi lại. - ông có dùng chữ f không? Và nhắc lại, thế là anh ta nổi sùng lên, nói rằng không có chửi thề. Và nói sẽ nói chuyện với người hẹn gặp tôi ở bộ này để bất lợi cho vụ việc của chúng tôi. Kệ thôi. Để xem anh ta lạm dụng quyền lực đến đâu.

Anh ra ra lệnh tôi phải xóa hình. Tôi hỏi tại sao? Chỗ tôi đứng chụp không có biển hiệu nào cấm chụp hình cả. Nếu ông ra lệnh tôi xóa thì tôi xóa thôi. Và tôi xóa, hỏi anh ta có cần kiểm tra lại không. Anh ta nói thôi tin rồi, không cần xem lại.

Và anh ta bực bội giải thích kiểu như là người tị nạn không muốn bị lộ mặt ở quê nhà. Ha ha, mày chống chế rồi. Anh ta áp giải tôi sang cổng dành cho cán bộ cơ quan và nơi hẹn các cuộc gặp chính thức. Và gọi những người có liên quan xuống, nhưng chắc chắn là họ không thể nào về hùa với anh ta được rồi, họ phải làm đúng nguyên tắc. Và sau đó anh ta tiu nghỉu bước ra, nhưng vẫn cứng giọng nói với tôi rằng anh ta đã bàn giao vụ việc của tôi rồi đó, và bước ra cửa. Tôi bước theo, và xin phép một phút nói chuyện riêng. Tôi nói đã ghi lại số hiệu của anh ta và sẽ viết blog về vụ việc này, đồng thời có thể sẽ đưa chuyện lên báo ở Anh. Không hiểu trong trường hợp đó thì anh ta có restriction gì nữa không?

Thế là anh ta lại bực bội quay trở lại, đi vào trong, và chắc là lại phải giải thích vụ việc với lãnh đạo. Người lãnh đạo của anh ta ra gặp tôi, và giải thích ở đây chuyện chụp hình là liên quan đến nguy cơ khủng bố, và phải cảnh giác. Tôi nói đồng ý, nhưng tôi hợp tác ngay từ đầu, không lên giọng, không bỏ chạy, không có hành động gì bất thường, trong khi anh ta rõ ràng là nhắm vào tôi, dọa nạt, xem hình con gái tôi, dò xét cuộc sống riêng tư của tôi, và tệ hơn nữa là còn đòi tác động vào cuộc hẹn của tôi ở bộ nội vụ này, như vậy là lạm dụng quyền lực. Ngay lập tức người lãnh đạo đổi sắc mặt và không dám lạnh lùng như trước, cố hết sức thuyết phục chỉ để tôi đi vào lo việc của mình (một lãnh đạo khác trong bộ đã phải ngồi chờ tôi từ 15' trước đó vì tôi đến đúng giờ và câu chuyện này làm trễ giờ của họ). Anh chàng cảnh sát nọ không dám nói gì, chỉ biết ấp úng no-no liên tục, khác hẳn thái độ láo lếu trước đó. Lần sau gặp người nước ngoài, không cần biết có giấy tờ hay không, tình trạng như thế nào, chắc chắn anh ta phải dè chừng từ câu chữ đến hành động, không được có thái độ coi thường người nước ngoài, hay láo lếu lạm dụng quyền lực nữa.

Bạn cũng vậy. Người rơm chỉ là người chưa được hợp pháp hóa giấy tờ, không phải tội phạm, không phải người bị mất danh dự, không phải dân hạ-tiện. Bạn vẫn còn đủ quyền con người như tôi, có quyền khiếu nại, có quyền kiện nhân viên bộ nội vụ ngược đãi, làm sai qui trình, sai hướng dẫn, có thái độ coi thường. Vụ việc vừa rồi tôi thấy chỉ cần khiếu nại trực tiếp với cấp trên của nhân viên nọ là đủ. Một vụ việc khác mà tôi biết thì cần phải khiếu nại lên cấp cao hơn và kết quả không chỉ là xử phạt nhân viên bộ nội vụ làm sai, mà còn có hi vọng đòi được quyền cư trú cho một người rơm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét