Lê Mạnh Hùng
Tuần này Anh Quốc mất một lúc ba viên chức cao cấp của Cơ Quan Biên Giới Anh Quốc (UK Border Agency) sau khi các vị dân biểu bắt đầu đặt câu hỏi về số “di dân biến mất” tăng vọt gấp bảy lần từ 18,000 tháng 11 năm 2010 đến 124,000 vào tháng 9 năm nay.
Các ông dân biểu hỏi làm sao mà cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát lại mất liên lạc với một số di dân và người xin tỵ nạn chính trị bằng dân số của Cambridge. Các ông bà dân biểu đòi chính phủ phải điều tra.
Ðó là chuyện cuối tuần trước. Tuần này, bà Bộ Trưởng Nội Vụ Theresa May mới công nhận là bà đã ra lệnh cho thực hiện một chương trình thử nghiệm, kiểm soát giấy tờ ở biên giới một cách “thông minh hơn” bằng cách nới lỏng việc kiểm soát cho một số du khách từ Âu Châu sang. Nhưng sau đó, ngày sự việc càng to chuyện. Khi bị các đồng nghiệp ép hỏi, bà bộ trưởng thú nhận là không biết số những người được nhập cảnh không kiểm soát ở biên giới là bao nhiêu.
Sau đó bà bảo với Quốc Hội là trong khi bà cho phép một chương trình thử nghiệm “nhắm đến kiểm soát do tình báo dẫn đạo đối với những người có nhiều nguy cơ,” ông Brodie Clark, đứng đầu lực lượng kiểm soát biên giới, đã “cho phép việc nới lỏng kiểm soát biên giới rộng rãi hơn là sự cho phép của bộ trưởng.” Bà cũng công nhận: “Vì kết quả của hành động không được phép này, chúng ta sẽ không bao giờ biết bao nhiêu người đã vào nước này mà đáng lẽ phải bị ngăn chặn.”
Ðược thể, nhân vật đối lập của bà, mà người Anh vẫn quen gọi là bộ trưởng Nội Vụ “shadow” (tức là nhân vật được đảng đối lập chọn sẵn để nếu chính phủ này đổ họ sẽ lên cầm quyền và người đó sẽ là bộ trưởng Nội Vụ của Anh) bên đảng Lao Ðộng, bà Yvette Cooper đã lên án bà May là “thay vì tăng cường việc kiểm soát hàng năm, như các bộ trưởng Nội Vụ khác đã quyết tâm theo đuổi, bộ trưởng Nội Vụ này quyết định một chính sách làm giảm nhẹ việc kiểm soát, một việc mà bà chưa từng loan báo cho Hạ Viện. Bà ta đã đổ cho các viên chức nới lỏng kiểm soát hơn là bà muốn. Nhưng bà là người đã bật đèn xanh cho việc giảm kiểm soát.”
Bị buộc tội, bà May tạm ngưng chức ông Brodie Clark cùng hai công chức cao cấp khác của lực lượng biên giới. Sau đó, ông Clark đã từ chức và nộp đơn khiếu nại cùng nói chuyện với nghiệp đoàn của mình. Trong một thông cáo gửi báo chí, ông Clark nói ông sẵn sàng tham dự các cuộc điều tra độc lập liên quan đến cơ quan biên giới nhưng “vị thế của tôi tại cơ quan đã trở thành khó xử vì những tuyên bố mà Bộ Trưởng Nội Vụ Theresa May đã đưa ra ở Quốc Hội. Những tuyên bố đó không đúng và đã được đưa ra không có câu trả lời của tôi đối với một cáo buộc chính thức. Với bộ trưởng loan báo và nhắc đi nhắc lại lập trường của bà là tôi có lỗi, tôi không thể tin tưởng vào bất cứ điều tra nào do Bộ Nội Vụ hay dưới sự điều hành của bộ là có thể công bằng và không thiên vị.”
Rồi ông lên án những cáo buộc của bà bộ trưởng, “Bộ trưởng Nội Vụ nói tôi đã thêm những biện pháp, không đúng, trong việc thử nghiệm kiểm soát dựa trên nguy cơ. Tôi đã không làm vậy. Những biện pháp này đã có sẵn từ năm 2008-09. Bộ trưởng Nội Vụ còn ngầm ý nói tôi giảm nhẹ kiểm soát để tránh sắp hàng quá dài. Tôi đã không làm vậy. Mặc dầu áp lực phải giảm bớt việc sắp hàng, kể cả từ các bộ trưởng, tôi chưa bao giờ bị cáo buộc là làm hại an ninh để giúp tiện lợi (cho du khách). Mùa Hè năm nay đã có nhiều lúc ở Heathrow, sắp hàng đến 3 tiếng đồng hồ (cho những người không phải là công dân Liên Hiệp Âu Châu), và tôi chưa bao giờ tính chuyện cắt giảm những kiểm soát căn bản để giảm bớt bế tắc.”
Ông cũng nói là sự nghiệp của ông đã bị chấm dứt như thế này sau 40 năm “phục vụ tận tâm” và rất lấy làm tiếc là bà May “bác bỏ quyền trả lời” của ông vì tiện ích chính trị.
Các viên chức của nghiệp đoàn chuyên đại diện cho các công chức cao cấp nói là ông Clark đã bị đối xử “khinh miệt” bởi bà bộ trưởng. Chủ tịch nghiệp đoàn nói thật là đáng ngạc nhiên khi bà bộ trưởng tuyên bố ông Clark “có tội trước khi ông ta có cơ hội trả lời.” Và nay chủ tịch Ủy Ban Nội Vụ Hạ Viện đã mời ông Clark ra điều trần trước ủy ban. Ông Chủ Tịch Keith Vaz đã khen ông Clark là một thành viên nổi trội của cơ quan biên giới, và do đó Quốc Hội cần được biết rõ về chuyện gì đã xảy ra. Bà May đã tuyên bố không từ chức về vụ này và Phủ Thủ Tướng của ông Cameron ủng hộ bà.
Trong khi đó bên Lao Ðộng nay cáo buộc vấn đề chính là vì chính phủ cắt giảm nhân viên và giảm ngân sách của cơ quan nên bà bộ trưởng mới cho nới lỏng để cho có đủ nhân viên làm việc mà không bị ứ đọng ở các bến cảng.
Nhật báo Financial Times (FT) thì chỉ trích cả hai đảng cầm quyền và đối lập là tranh cãi ngoài vấn đề. Theo FT, cái khổ là cánh cửa của Anh Quốc chỉ hé mở mà lại hé mở không có lợi cho Anh Quốc. Những người mà Anh Quốc cần, nhưng nhà kinh doanh không thuộc khối Âu Châu, những thợ có tay nghề cao, những chuyên gia, lại không được chào đón.
Tờ FT chỉ trích là sự bực mình bắt đầu ngay từ khi nộp đơn xin visa, ngay từ khi liên lạc với cơ sở ngoại giao, hay đúng hơn, với công ty mà chính phủ Anh đã giao phó cho việc cấp chiếu khán. Tờ báo nói là rất ít người dân Anh biết là Anh đã trao việc cấp visa cho hai công ty, một là Computer Sciences Corp của Hoa Kỳ và VFS Global của Thụy Sĩ, việc kiểm tra giấy tờ. Quyết định tối hậu là của nhân viên Bộ Ngoại Giao, nhưng việc này đã không làm giảm sự rối loạn và việc áp dụng luật lệ bất nhất, thời gian chờ đợi bất định, và một hệ thống giao tế dịch vụ như là một cơn ác mộng.
Thực ra, điều mà bà May cho phép, giảm thiểu khám xét những hành khách ít nghi ngờ và cho phép các nhân viên kiểm soát biên giới quyền tự ý linh động tùy tiện mà khám kỹ hay khám sơ sài tùy theo tin tình báo là một điều đi đúng hướng.
Nhưng việc này muốn thành công đòi hỏi phải có thay đổi sâu sắc trong thái độ và cách sử dụng tài nguyên. Việc nhân viên của Sở Biên Giới sẽ bị giảm chỉ còn một phần năm vào năm 2015 sẽ làm cho việc có được một chính sách di dân thông minh khó đạt được hơn.
Thành ra kết quả là luật duy nhất của Anh về di dân là làm sao đừng cho họ vào, bất kể họ là ai và có lợi gì cho nền kinh tế Anh hay không. Trong khi đó, thỉnh thoảng, vì quá kẹt, một số sẽ để cho “biến mất” không biết đi đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét