Thủ tướng Anh kêu gọi toàn dân theo dõi và phát hiện các vụ nhập cư lậu để báo cáo cho cơ quan chuyên về xuất nhập cảnh của Anh là UKBA. "Chúng ta sẽ cùng nhau tái lập biên giới và trả di dân bất hợp pháp về nhà. Nếu chúng ta cùng có hành động và xử lý với các loại hình di dân khác nhau, từ hợp pháp đến bất hợp pháp, thì mức độ dân nhập cư sẽ quay trở lại như thập niên 1980s và 1990s, khi mà chuyện di dân không trở thành vấn đề chính trị hàng đầu", ông nói trên đoạn video được nhiều hãng tin trích dẫn.
Di dân đúng là vấn đề gây tranh cãi nóng bỏng trong cuộc vận động bầu cử Quốc hội vào năm ngoái, và mặc dù chỉ trích chính phủ trước của đảng Lao Động, sau một năm nắm quyền, liên minh đảng Bảo Thủ và Dân Chủ Tự Do không hề cải thiện được tình hình, trong lúc cơ quan chuyên trách về biên giới là UKBA thì tiếp tục bị cắt giảm ngân sách và nhân sự.
Mới gần đây thì xuất hiện thêm một loạt các câu chuyện bê bối, ví dụ người thuộc diện trục xuất nhưng vẫn sống trong bệnh viện cả năm trời, tiêu tốn tiền của quỹ y tế vốn đang eo hẹp, chỉ vì bên cục biên phòng không chịu nhận người về trại. Hoặc có những người sống trong trại trục xuất hơn 2 năm mà vẫn chưa đưa được về nước, tiêu tốn của ngân sách đến nửa triệu bảng Anh, lại còn khiến báo chí bêu riếu vì họ tuyệt thực phản đối bộ Nội vụ Anh Quốc.
Tệ hại hơn là có đến nửa triệu bộ hồ sơ xin tị nạn bị bỏ quên trong kho và khi đem ra xử lý thì vẫn còn cả trăm ngàn hồ sơ không thể giải quyết. Đồng thời chính phủ Anh cũng bị kiện tụng cả trong nước lẫn ở tòa án châu Âu liên quan đến các hành xử được cho là thiếu tôn trọng nhân quyền đối với những người bị bắt giữ và trục xuất.
Trong bối cảnh như vậy, thực ra tuyên bố của thủ tướng David Cameron cũng không gây ra bất ngờ và cũng không tạo ra được nhiều dư luận trong giới chính trị Anh, bởi vì đa số đều coi đây là chuyện phải làm và thủ tướng đã làm quá chậm sau lời cam kết bầu cử từ năm ngoái là sẽ xử lý vấn nạn di dân.
Từ đầu mùa hè bộ Nội vụ Anh đã có kế hoạch cải tổ chính sách nhập cư theo diện gia đình, mà chủ yếu là người nước ngoài được cấp thẻ định cư và sau đó là quốc tịch thông qua kết hôn. Thời gian tham vấn cho dự luật đó vừa hết vào tuần trước (6/10/2011). Trong một báo cáo do thứ trưởng chuyên về di dân là Damian Green đưa ra, trong năm 2010, tổng cộng có trên 48.000 visa đoàn tụ gia đình được cấp, mà khoảng 40.000 là dành cho các cặp đôi kết hôn. Điều kiện thủ tục dễ dãi khiến nhiều người lợi dụng để kết hôn giả và làm giấy tờ hợp pháp hóa quyền cư trú, và thậm chí sau đó còn làm dụng hệ thống an sinh xã hội để đòi tiền trợ cấp và nhà ở miễn phí trong khi ngân sách nước Anh đang phải trong tình trạng thắt lưng buộc bụng.
Trong cộng đồng người Việt ở Anh có nhiều đồn thổi về giá cho một lần cưới giả từ 15-20.000 euro. Nhưng tính ra thì vẫn rẻ vì số tiền người ta sẽ lấy lại từ hệ thống an sinh xã hội là cả chục ngàn euro mỗi năm, và trẻ em thì sẽ được hưởng trợ cấp đến năm 18 tuổi.
Chính sách mới của bộ Nội vụ sẽ đưa ra điều kiện về thu nhập tối thiểu cho người ký đơn bảo lãnh vợ chồng hay đoàn tụ gia đình. Họ cũng tăng thời gian thử thách thêm một mức nữa, từ 2 năm lên thành 5 năm trước khi cấp thẻ định cư, và yêu cầu người nhập cư phải thi tiếng Anh và trình độ hiểu biết về lịch sử và văn hóa Anh. Chính phủ Anh cũng đang đàm phán với châu Âu về nguyên tắc áp dụng điều 8 trong công ước châu Âu về nhân quyền. Trong khi đó, vấn đề chính mà nước Anh đang phải đối mặt là tình trạng di dân bất hợp pháp đang ở mức vượt quá khả năng kiểm soát. Toàn bộ hệ thống xuất nhập cảnh của Anh có chừng 8.000 nhân viên làm việc ở khắp các tỉnh thành, mà trong đó có chừng 800 nhân viên được điều phối sang Pháp và Bỉ để ngăn chặn từ xa, tiêu tốn hàng năm vài tỷ euro từ ngân sách. Thế nhưng lượng người trốn xuống phà bằng xe công-ten-nơ vẫn không hề giảm, sau khi bị phát hiện lại tiếp tục chờ xe khác để vượt biên vào Anh. Lực lượng bắt giữ và trục xuất trong nước cũng không đủ người để kiểm tra hết các cơ sở đang thuê di dân trái phép làm việc. Hiện UKBA cũng đang phải cắt giảm ngân sách và giảm biên chế.
Mặc dù biện pháp hành chính mà thủ tướng David Cameron đưa ra sẽ được nhiều người ủng hộ, nhưng các ý kiến phản đối cũng sẽ không phải là ít, đặc biệt là trong bối cảnh có một số giải pháp thay thế. Ví dụ như là việc ân xá cho « người rơm ». Giới chuyên gia ước tính đang có từ 500.000 đến 1 triệu di dân đang sống bất hợp pháp trên đất Anh, trong đó người Việt vào khoảng 10-25.000. Nếu để bắt giữ và trục xuất hết thì nước Anh sẽ tốn khoảng 5 tỷ euro và với điều kiện hiện có thì sẽ mất cả chục năm để thực hiện, trong khi nhiều người như dân Việt Nam đã trục xuất về đến quê nhà vẫn quay lại nước Anh thậm chí 2-3 lần.
Thị trưởng London đưa ra ý kiến tạm cấp giấy tờ cho họ đi làm, không tạo ra gánh nặng ngân sách mà ngược lại, còn đóng góp số tiền thuế thu nhập và sinh hoạt cũng chừng 5 tỷ euro vào cho ngân sách đang thiếu thốn của Anh này. Thị trưởng Boris Johnson cũng là nhân vật nổi bật trong đảng bảo thủ đang cầm quyền. Liên đảng Dân chủ Tự do đang cầm quyền cùng đảng Bảo thủ cũng từng vận động ra dự luận ân xá hết cho « người rơm ». Chưa kể là đảng đối lập và các tổ chức nhân quyền luôn nhìn vào những vụ việc cụ thể để chỉ trích và gây sức ép.
Chính vì vậy mà thủ tướng Anh có thể nói rất mạnh nhưng việc thực hiện chính sách siết chặt di dân sẽ không dễ dàng như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét