http://www.sgtt.com.vn/detail30.aspx?newsid=57706&fld=HTMG/2009/1004/57706
Tiếp cận người Việt bị lừa vào rừng sống
SGTT - Nếu như người Việt làm công cho các xưởng máy chui ở Nga phải sống tạm trong rừng Nga khi chợ Vòm bị đóng cửa, thì những người Việt vừa được phát hiện sống trong khu rừng miền bắc nước Pháp, bị lừa tới đây do ôm mộng đổi đời.
Khung cảnh sống của 24 người Việt trong rừng. Ảnh: T.L
Ngày 15.6.2009, những người quen ngậm ngùi tham dự lễ hoả táng một người Việt nhập cư trái phép, tại nhà quàn tỉnh Dunkerque. 27 tuổi, anh này chết khi rơi từ mui xe tải xuống đường, bỏ lại vợ và hai con ở Việt Nam. Chi phí an táng do người dân địa phương bảo trợ.
Ba tháng sau, chuyên viên bảo vệ rừng thuộc tỉnh Dunkerque, miền bắc nước Pháp phát hiện khá đông người Việt sống bất hợp pháp trong rừng Nam Téteghem. Ở đây, các trạm trung gian nhập cư bất hợp pháp trải rộng trên xa lộ A 16 có ba khu rừng Téteghem, trên 50 bãi đậu của xe vận tải. Còn xa lộ A 26, N 24 và N 25 có trên 200 nhà kho chứa vật liệu xuất nhập cảng bỏ hoang lâu năm. Bốn xa lộ liên tỉnh kết nối vào nhau có khoảng 70 bãi đậu công cộng dành riêng cho xe vận tải cỡ lớn, đến từ các nước Âu châu và nội địa nghỉ ngơi trước khi vào hải cảng Calais. Những địa chỉ trên là môi trường tạo ra hoạt động của đường dây đưa người lao động bất hợp pháp vào Anh quốc.
Từ Paris đến khu rừng Nam Téteghem trên ba trăm cây số, chúng tôi vào rừng đi theo đường mòn gồ ghề, sình lầy. Giữa khu rừng hoang, chúng tôi bất ngờ chứng kiến đời sống cơ cực của người Việt ở đây. Sau khi đưa cho những người này xem tư liệu trên các trang báo tại Dunkerque, Calais và Téteghem nói về sự xuất hiện người Việt Nam tại khu rừng Nam Téteghem, và vụ tai nạn hồi tháng sáu vừa qua, họ mới chịu trò chuyện với chúng tôi. Một thanh niên cho biết, anh ta được người hướng dẫn đưa đến rừng này vào cuối tháng 11.2008. Lúc đó, có ba người khác sống trong rừng. Ở chừng nửa tháng, ba người kia được đưa đi đâu không rõ. Theo anh ta, mỗi ngày có nhiều người Việt đến khu rừng này ở chung nhưng không thấy người dẫn đường quay lại. Những người Việt tự tìm bao nilông khâu lại, rồi dựng cây làm lều. Người thanh niên cho biết, anh ta đã 30 lần leo lên xe tải để trốn sang Anh, nhưng đến biên giới thì bị cảnh sát Anh bắt lại, đuổi về Pháp. Cảnh sát Pháp bắt giam một ngày để thẩm vấn, rồi thả ra. Sau mỗi lần được thả, anh ta phải đi bộ mấy chục cây số về lại khu rừng vì không biết đi đâu và cũng không biết cách nào trở lại quê nhà.
Một thanh niên khác, độ tuổi hai mươi, tóc dài chấm ngang vai, thân thể gầy còm, khuôn mặt vàng da, đôi mắt thâm quầng đen, thuật lại hành trình tới Pháp qua ngõ Nga và Đức. Nhóm sáu người của anh tới Nga, sau đó chỉ có anh ta được chở qua Đức rồi đến Pháp. Anh này kể lại, khi đến mé bìa rừng đầu tháng 2.2009, họ chỉ đi theo đường mòn vào rừng, sẽ gặp người Việt. Mùa đông ở rừng Téteghem khắc nghiệt. Anh này nói: “Ở Nga tuy rất lạnh nhưng được ở trong nhà, có lò gas sưởi ấm, còn ở đây là rừng chỉ có hai lều vải và nilông nhỏ, lại đúng lúc mùa đông, chân tay tê cóng, mất cảm giác. Áo len không đủ ấm, lạnh thấu xương, da thịt nứt nẻ như thể đã thấy trên cánh đồng bị hạn hán ở miền Trung quê mình”.
Người quen đến dự lễ hoả táng một người Việt bị rơi từ mui xe tải khi tìm cách trốn sang nước khác. Ảnh: T.L
Một phụ nữ lớn tuổi, giọng Nghệ An, cho biết, quê ở Anh Sơn. Hành trình từ Hà Nội đi máy bay sang Nga, qua Đức và tới khu rừng này mất một tháng bảy ngày. Nghe có tổ chức giới thiệu người đi Anh làm việc, cô đã cẩn thận kiểm tra, trước khi thế chấp căn từ đường ba đời của nhà chồng lấy 7.000 euro để đi lao động, hòng đổi đời cho hai người con trai. Cô cho biết, đơn vị tổ chức hứa hẹn rằng, tới Anh làm việc hai tháng là đủ tiền lấy lại sổ đỏ. Ở Moscow được 20 ngày, cô được cho 60 USD để tiêu, thì có người lạ mặt đến gặp, cho biết mười ngày nữa lên đường nhưng phải trả chi phí 2.000 euro, do khoảng chi trước chỉ lo tới Nga. Tự đánh giá là gặp bọn lừa đảo, người phụ nữ này vẫn cố nuôi hy vọng gỡ gạc nên đồng ý gọi điện thoại về nhà, thế chấp sổ đỏ để được sang Đức, qua Pháp. Cô cho biết, ở khu rừng này, cô gặp 26 người đồng cảnh ngộ, tất cả đều ở miền Trung. Nghe mức chi phí 9.000 euro của người phụ nữ đến từ Nghệ An, có nhiều người cho biết, họ mất tới 13.000 euro. Người nữ trạc tuổi ba mươi nói: “Bố mẹ em thế chấp ba thửa ruộng cho ngân hàng đến 300 triệu đồng, tương đương 16.000 euro”.
Hiện nay trong rừng Téteghem có tất cả 20 nam 4 nữ. Bếp cơm tập thể do những người Việt Nam tại tỉnh Dunkerque cứu trợ. Y tế do linh mục Phạm Xuân Đào vận động hội y sĩ Pháp viếng thăm mỗi tuần.
http://www.sgtt.com.vn/HTMG/2009/1004/57706/01.jpg
http://www.sgtt.com.vn/HTMG/2009/1004/57706/02.jpg
Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét