Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Loi ich cua Internet

Internet là chìa khóa mở cửa cho Người Rơm chúng ta vào nhiều thế giới mới, trong đó có chuyện vận động để đòi quyền được cấp giáy tờ lao động hợp pháp. Bên cạnh đó, Internet cũng sẽ là nhịp cầu nối kết các bạn Người Rơm với nhau, với người Việt ở nhiều nước khác trên thế giới. Một trong số các trang mạng chúng ta có thể vào xem là http://www.nguoibanduong.net/ trang nhà của Hội văn học nghệ thuật Việt nam tại Liên Bang Nga, rất nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn hay của những người cùng cảnh ngộ. Người Việt ở Hungary cũng có trang mạng ở địa chỉ http://www.nhipcauthegioi.hu/ với nhiều tin tức cần thiết cho người Việt sống ở nước ngoài. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến trang mạng nguoiromuk.blogspot.com của chúng ta.

Lan - Câu chuyện sang Tây
Một trong những truyện ngắn được đăng trên trang mạng này là của nhà văn Do.honza, có đoạn kể về những ngày đầu trên đất khách quê người của một cô gái Người Rơm:

Mặt đỏ bừng ông càng hưng phấn, tay chân ông hoạt động loạn xạ. Vì quá bất ngờ Lan không còn biết phải làm gì nữa, cô càng đẩy ra thì càng làm ông máu hơn. Xoảng, cả hai túi đồ từ trên tay Lan rớt xuống nền nhà, chắc lọ dưa chuột ngâm hay chai bia nào vỡ. Lan càng hoảng hơn cố gỡ ra khỏi vòng tay ông Long để thu dọn lại. Ông Long bỗng quát lên: Cô cứ để đó, cởi quần áo ra!
Lan bủn rủn cả người, cuộc đời thật là chớ trêu. Còn gì trên đời này mà cô không nếm trải qua đâu. Kể từ khi lên máy bay sang Liên Xô tới giờ cô đã chấp nhận bao đoạn trường; nhân phẩm, danh dự, lòng tự trọng của con người chẳng là cái gì trong cái nền kinh tế thị trường khốc liệt này. Mua và bán; thuận mua vừa bán, miễn là không ăn quỵt của nhau là ổn. Bí quá thì lừa đảo, chấn lột, cướp giật. Đi theo ông Long, cô hiểu rất rõ mình sẽ phải làm gì, có gì và mất gì. Cô can tâm và chấp thuận quyết định điều đó.
Vậy mà sao lại thế này ? Cô muốn gì ? Sự trong sáng ư ? Tình yêu lãng mạn ư ?
Không có đâu. Cô chỉ dám xin một chút ít thời gian để mọi việc xảy ra tự nhiên, tự nguyện và không thô bạo thôi.
Lan nhìn thẳng vào ông Long với con mắt khẩn cầu: “Anh cho em chút ít thời gian đi, dù sao thì anh em mình cũng nên biết về nhau hơn một chút. Em sẽ ở đây với anh mà”. Câu cuối cùng cô nói rất nhẹ nhàng như muốn gửi một thông điệp thay cho lời chấp thuận và tuân thủ của mình.Nhưng lúc nay ông Long đã không còn đủ sáng suốt để hiểu và cảm nhận lời cầu xin của Lan. Máu trong người ông đang sôi lên, con thú trong ông gầm lên giận dữ, ông muốn chinh phục, ông phải chinh phục, con mồi này là của ông, ông phải ăn sống nuốt tươi nó ngay lúc này, ngay tại đây, tại nhà của ông. Ông dằn giọng: “Cởi quần, áo ra !”.


Quyên - Câu chuyện một người vượt biên
Gần đây tại Việt Nam cũng đang ồn ào dư luận quanh quyển tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, được NXB hội nhà văn xuất bản năm 2009, mà một đoạn trong bài giới thiệu trên báo Thanh Niên viết như sau:

Hơn 440 trang viết như những thước phim quay chậm. Ngôn ngữ tiểu thuyết đậm chất điện ảnh và có tính phóng sự của Quyên cho thấy Nguyễn Văn Thọ là một tay bút khá già dặn trong bố cục. Không có gì mới về mặt nghệ thuật nhưng lối dẫn chuyện khá hấp dẫn, bởi đầy ắp chi tiết đời sống và hơi thở đắng cay, lãng mạn của hiện thực. Quyên, một cô gái có học, trẻ đẹp theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Vợ chồng lạc nhau, cô bị Hùng - một kẻ làm nghề dẫn đường cưỡng hiếp và buộc phải sống cùng anh ta 8 tháng tại một căn nhà tạm bợ trong rừng biên giới. Quyên có thai. Đến lúc ấy, Hùng mới cảm thấy thật sự yêu thương Quyên, đưa cô vượt biên sang Đức để sinh con và tìm chồng. Nhưng Hùng gặp tai nạn ô tô khi cố đánh lạc hướng xe cảnh sát, để Quyên lên xe của một người bạn vượt biên. Quyên gặp lại chồng, nhưng bị chồng ruồng rẫy trong lúc sinh con, cô bế tắc toan tự sát, may sao lại được Kumar, một người tị nạn cùng trại, cứu thoát. Họ sống với nhau như vợ chồng trong một quán ăn nhỏ. Sau đó, nghe tin Hùng sắp chết và muốn được gặp mặt con, Quyên đã mang con tới gặp Hùng lần cuối trước khi anh lìa đời. Quyên đã mang tro cốt của Hùng về nước trong khi Kumar lại đi tìm cô...

Mới chỉ đi chặng đầu tiên từ Việt Nam sang một nước châu Âu mà đã có bao nhiêu câu chuyện làm xúc động người đọc, chắc chắn những Người Rơm Anh quốc với ít nhất là hai chặng đường vượt biên sẽ còn có thêm nhiều câu chuyện xúc động khác muốn chia sẻ. Bạn hãy nhờ bạn bè chỉ cách sử dụng email, rồi kể câu chuyện của mình qua email gửi cho BBT vào địa chỉ nguoiromuk@yahoo.co.uk, chúng tôi sẽ giúp bạn chỉnh sửa lại thành một câu chuyện văn học để chia sẻ trên trang báo của chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét