Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Mot vu lua dao

Một vụ lừa đảo
HXR


"Đã nghèo còn gặp cái eo" hay "họa vô đơn chí" là những câu tôi hay lẩm bẩm trong miệng khi nghĩ về ngày tôi biết hắn.
Sau nhiều năm tay bào tay dũa tung hoành ngang dọc các shop nails, trong một lần đi kí tôi bị bắt và bị đưa vào trại tị nạn để hưởng thụ cuộc sống "chim lồng cá chậu". Sáng cầm ca xếp hàng đi ăn sáng, trưa cầm ca xếp hàng đi ăn trưa, chiều cầm ca xếp hàng đi ăn chiều, tối cầm ca xếp hàng đi ăn tối. Thời gian được đánh dấu bằng các bữa ăn. Đi ngủ rồi thức dậy, tôi cũng mất dần ý niệm về ngày tháng bởi ngày hôm nay gần như sao y bản chính của ngày hôm qua. Dường như số phận đã bôi đen ngày đầu tôi nhập trại rồi click chuột phải chọn lệnh" copy" và sau đó lỡ tay "paste" gần 60 lần để rồi vô tình giam hãm tôi trong chuỗi mắt xích ấy.

Chính trong những tháng ngày tù túng ở trại, hắn tìm đến tôi. Một ngày nọ, tôi nhận được tín hiệu đầu tiên của hắn: Một tờ fax gửi đích danh đến tên tôi, số phòng của tôi từ một nguời tôi không hề quen biết với nội dung đề nghị được giúp đỡ tôi ra khỏi trại. Sự kiện đó giống như ai đó ném 1 hòn đá cuội xuống cái giếng phẳng mà tôi đang sống. Với tất cả những kẻ đang ở trong trại, khao khát tự do lúc nào cũng ngùn ngụt, và họ bấu víu vào tất cả những gì có thể cho họ hi vọng. Ngay cả những người quản lí ở trại thỉnh thoảng cũng rót vào tai những người bị giam chút ít hi vọng vì họ biết, cho những người tị nạn đang bị giam một hi vọng (huyễn hoặc) là cách tốt nhất để giữ họ trong tầm kiểm soát, để họ tiếp tục cư xử ngoan ngoãn. Hi vọng giống như một thứ tín ngưỡng trong trại mà người quản lí hướng người bị giam đi theo. Hơn ai hết, họ hiểu khi người bị giam cảm thấy không còn gì để mất, khi không còn gì để níu kéo là khi sức phản kháng trở nên mạnh hơn bao giờ hết và đấu tranh sẽ là điều tất yếu. Nói vậy để các bạn hiểu niềm hi vọng tự do đối với tôi lúc đó có sức mạnh thế nào. Nó có khả năng làm lu mờ những suy nghĩ lý trí minh mẫn tỉnh táo, có thể dẫn dắt người ta mạo hiểm để đánh đổi những thứ mang giá trị thực để đổi lấy nó_niềm hi vọng ảo, hoặc đơn giản chỉ là đánh đổi để được tiếp tục hi vọng và không (muốn) biết hi vọng ấy có khả năng trở thành sự thực hay không. Quay lại với niềm hi vọng từ trên trời rơi xuống của tôi lúc ấy: Mr Signh_tên hắn. Tôi gọi lại ngay cho hắn vào số điện thoại trên tờ fax. Hắn nói hắn biết tôi vì có một nhân viên trong trại đã cho hắn tên và số phòng của tôi và nhờ hắn giúp tôi. Hắn không nói nhân viên đó là ai. Hắn nói hắn có thể lo cho tôi được ra khỏi trại một cách hợp pháp bằng "cửa sau" (back door) rồi sau đó có thể tiếp tục đi kí hoặc bỏ là tùy tôi. Giá cho cái "cửa sau" đó là £500. Tôi gọi điện cho người thân ở bên ngoài và kể cho họ. Giống như tôi, họ đều nghe được mùi lừa đảo nhưng hi vọng vào một phép màu vẫn nhen nhóm trong họ. Người thân của tôi sắp xếp một cuộc hẹn với Signh. Tại cuộc hẹn này, chúng tôi yêu cầu Signh đưa ra bản photo passport của hắn, giấy nhận tiền viết tay và chữ kí của hắn, hai bản photo giấy chấp nhận tạm thời (Temporary Addmission) để người bị giam có thể ra khỏi trại chờ xét hồ sơ mà hắn đã làm cho những trường hợp trước. Sau khi cầm đủ những giấy tờ đó, người thân của tôi đưa hắn £300 đặt cọc và hắn hẹn trong hai tuần tôi sẽ có giấy được thả.

Hai tuần rồi ba tuần rồi bốn tuần trôi qua, tôi vẫn ở trong trại. Nhiều lần gọi cho Singh nhưng ban đầu hắn trả lời chống chế rồi sau đó không nhấc điện thoại cho dù tôi dọa sẽ tố cáo hắn ra cảnh sát. Khi quyết định đưa tiền cho hắn tôi và người thân cũng lường đến khả năng bị lừa nhưng giống như tôi nói phía trên, tôi và người thân làm tất cả chỉ để có thể tiếp tục hi vọng cho dù việc làm ấy xuẩn ngốc như việc đánh bạc mà 99 phần thua chỉ có 1 phần thắng. Cuối cùng thì tôi đã thua ván bạc đó, nói đúng hơn là tôi bị lừa. Biết mình đang bị lừa nhưng vẫn để cho hắn lừa. Điều thông minh của tên này là hắn đưa ra một giá tiền khiến người ta cảm thấy có thể chấp nhận để bị lừa. Rõ ràng nếu hắn tham lam đưa ra cái giá cao hơn thì không bao giờ tôi chấp nhận, hắn cũng chẳng được gì. Nhưng với vài tờ giấy có in chữ hắn đưa cho người thân tôi, hắn đổi được £300 thì quả là một vụ làm ăn hời. Quả là một nhà đầu tư nắm rất chắc tâm lý khách hàng để moi tiền.

Tôi đem tất cả giấy tờ của Signh (bản photo passport, tờ fax hắn gửi cho tôi, tờ nhận tiền viết tay, và 2 tờ Temporary Addmission giả) cho nhân viên quản lí của trại nhờ họ giải quyết nhưng không có hồi âm gì cả. Sự việc chìm xuống đáy giếng phẳng lặng tôi đang sống lúc đó và không để lại dấu tích gì ngoại trừ câu hỏi vẫn lởn vởn trong đầu tôi bây giờ: Ai là người đã cho Singh tên và số phòng của tôi để hắn liên lạc? Có chăng một đường dây lừa đảo mà chân rết nằm ngay trong trại tị nạn?

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Da trong co lai con goi canh sat

Đã trồng cỏ lại còn gọi cảnh sát

Cặp đôi người Anh Colin Roberts 47 tuổi và Mandy Coghlan lập tức gọi cảnh sát khi phát hiện mấy chậu cây trong nhà bị đánh cắp.

Cảnh sát đến ngôi nhà ở Stoke hồi tháng Tư năm ngoái và giật mình bởi mùi cần sa đậm đặc, theo mô tả của họ trước tòa án thành phố, theo bài báo sáng nay (29/3/2012) trên tờ Metro (http://www.metro.co.uk/news).

Hóa ra ông Roberts trồng cần sa để dùng khi bị cơn đau do căn bệnh Crohn gây ra, thỉnh thoảng cũng bán bớt để kiếm tiền chi tiêu.

Cảnh sát đánh giá tổng cộng khu vườn tài mà này trị giá chừng 10.000 bảng và ở trên lầu họ còn tìm thấy lá thuốc đã phơi khô trị giá chừng 2.000 bảng trong phòng ngủ.

Hai người bị tuyên án tù treo 12 tháng, ngoài ra ông Roberts còn phải đi làm việc thiện nguyện 240 giờ và bà Coghlan thì phải theo học đủ 12 buổi của lớp cai nghiện.

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Ban chuyen nguoi rom

Bàn chuyện người rơm trong mùa tranh cử thị trưởng London

Tiếp tục đợt vận động cho quyền của dân nhập cư và ân xá cho người rơm tại London, các tổ chức thiện nguyện đã đạt được cuộc hẹn với đại diện của tất cả 4 ứng viên vào ghế thị trưởng London để trao đổi vào ngày 11 tháng Tư tới đây tại trung tâm London.

Migrants and the London Election 2012
When: 11 Apr 2012 - 10:00 - 13:00
Where: Diana Princess of Wales Fund, Westminster Bridge Rd, London SE1 7PB
Speakers:
Ben Rogers – Centre for London
Don Flynn – Migrants Rights Network
Ken Livingstone campaign representative (Labour)
Brian Paddick campaign representative (Liberal Democrat)
Jenny Jones campaign representative (Green Party)
Boris Johnson campaign representative (Conservative) TBC

Rất mong các bạn Việt Nam quan tâm đến câu chuyện của người rơm đến dự và take note thay mặt cho chúng tôi, vốn đợt này đang phải bận giải quyết các hồ sơ người rơm còn tồn đọng ở nơi khác.

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Van dong chong truc xuat

Tiếp tục cuộc vận động chống trục xuất hàng loạt người nước ngoài trong các trại tị nạn về nước, các nhóm phối hợp mà Người Rơm UK là thành viên tuần này sẽ tiếp tục hoạt động tại thư viện Peckham, phía nam London.

Vào 1h trưa thứ Bảy 3.3.2012 chúng tôi sẽ tổ chức phát truyền đơn giúp người dân Anh hiểu rõ hơn về tình cảnh của người rơm đang bị giam trong trại tị nạn, mà có trường hợp đã kéo dài suốt 3 năm qua.

Các bạn Việt Nam có người thân trong trại muốn giúp sức cho hoạt động này xin mời cùng tham gia (từ ga tàu hỏa Peckham Rye rẽ trái đi bộ 5' là đến Peckham Libray, gần cửa hàng thực phẩm Việt Nam và Trung Quốc).

Các bạn ở trong trại muốn nhận tài liệu miễn phí do một số bạn người rơm tài trợ in ấn và chuyển gửi có thể liên lạc với chúng tôi qua điện thư nguoiromuk@gmail.com

Ngoài ra chúng tôi cũng đang cần một số bạn người rơm biết vẽ hay có năng khiếu nghệ thuật (đàn hát, biểu diễn, sáng tác văn học) giúp đỡ trong cuộc vận động các nghị sĩ quốc hội Anh thông qua luật ân xá cấp giấy tờ cho người Rơm tạm ở lại làm việc, mong các bạn liên hệ.

Chien dich nham vao take away

Cơ quan UKBA ở Scotland đang có chiến dịch kiểm tra các tiệm take-away cả của Trung Quốc lẫn Ấn Độ.

http://www.dailyrecord.co.uk/news/scottish-news/2012/03/02/11-arrested-in-immigration-raids-on-chinese-and-indian-takeaways-in-glasgow-area-86908-23772584/

Theo tin mới nhất của tờ Daily Record thì có 11 người bị bắt giữ trong cuộc tổng kiểm tra 7 tiệm đồ ăn mang về nhà ở Glasgow.

Giám đốc vùng của UKBA phụ trách Scotland và Bắc Ireland Phil Taylor nói "Cục biên giới Anh quốc sẽ dựa vào tin tình báo để nhắm vào các doanh nghiệp coi thường luật lệ và đưa những người không có quyền sống hợp pháp ra khỏi nước Anh."

"Hoạt động này là một phần chiến dịch diệt trừ nạn lao động trái phép ở Scotland nhằm làm giảm độ hấp dẫn của Anh quốc đối với di dân trái phép."