Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Truyen thong bao dong gia tang so luong trai can sa

Một tổ chức phòng chống ma túy ở Anh cho biết lượng cần sa trồng tại chỗ tăng gần gấp 6 lần trong vòng 10 năm qua. DrugScope cho biết khoảng 60% lượng ma túy bán ra ở Anh được trồng tại chỗ, so với tỉ lệ chỉ có 11% vào năm 1996. Trong vòng hai năm quá số lượng trại trồng cỏ mà cảnh sát bắt được ở Anh tăng gấp ba lần và trung bình cứ mỗi ngày thì có 3 trại bị phá theo tổng kết của DrugLink trong nửa năm qua. Riêng London trong vòng hai năm qua có 1500 trại cần sa bị phát hiện, so với con số 500 trong hai năm trước đó. Cứ trung bình mỗi vụ bắt giữ thì cảnh sát lại thu được 400 cây và ba phần tư số trại cỏ là do các băng đảng Việt Nam điều hành. Các trại cỏ của người Việt tập trung ở London, South Wales, Birmingham, East Anglia, Yorkshire và North East. Sĩ quan Neil Hutchison từ lực lượng chống tội phạm nghiêm trọng có tổ chức nói một số nhân công trồng trọt cho các trại cỏ này được đưa từ Việt Nam sang và trả lương cao. http://www.metro.co.uk/news/40843-police-raid-three-cannabis-farms-a-day

Ket an 2 nguoi Viet trong can sa

(Duncan Bick, NewsAndStar.co.uk) Hai người rơm Việt Nam nhận tội trồng cần sa và bị tòa án ở Carlisle kết án tù, đó là Hoàng Văn Tân 38 tuổi và Phan Thị Hiền 36 tuổi, bị bắt trong nhà ở Flimby gần Maryport hồi tháng Bảy vừa qua. Họ trang bị máy móc để trồng 700 cây cần sa mà bên công tố ước tính trị giá khoảng 400.000 bảng nhưng luật sư cho rằng ít hơn. Luật sư cũng xin tòa chiếu cố hoàn cảnh bà Phan xuất thân từ vùng quê nghèo khó ở Việt Nam, bị đưa sang Anh với lời hứa sẽ kiếm ra tiền để gửi về nhà, rồi lợi dụng đưa đi làm khắp nơi, có lúc làm nghề giữ trẻ ở Birmingham và Manchester mà vẫn không đủ tiền để gửi về nhà. Theo lời khai thì bà Phan đến chơi nhà ông Hoàng ở Cumbria và bị bắt. Tòa kết án bà Phan 10 tháng tù còn ông Hoàng là hai năm tù. Quan tòa nói thêm là trong tình trạng cả hai đều là di dân bất hợp pháp cho nên sẽ bị trục xuất sau khi mãn án tù hay sẽ về nước chịu án. http://www.newsandstar.co.uk/news/vietnamese-pair-who-ran-drug-farm-jailed-by-carlisle-court-1.1012079?referrerPath=

Bat 28 nguoi Viet o Birmingham

Cảnh sát Birmingham bắt 28 người Việt ở sàn DV8 trên đường Lower Essex hồi đêm Chủ Nhật tảng sáng thứ Hai 12.11.2012, theo thông báo trên trang mạng của West Midlands Police. Đây là chiến dịch theo dõi và tóm bắt một băng nhóm bị nghi là trồng, tàng trữ và tiêu thụ ma túy. 10 nghi phạm đang trong tình trạng bất hợp pháp vì đã hết hạng visa hay vượt biên vào nước Anh đang được chuyển sang trại giam của UKBA chờ ngày trục xuất về Việt Nam. Một người đàn ông 22 tuổi đang trong danh sách tình nghi liên quan đến vụ thanh toán băng đảng ma túy hồi tháng Chín vừa rồi trên đường Rotton Park khu Edgbaston. Sĩ quan David Sproson từ Ban chuyên án ma túy nói vụ này đã được theo dõi và nghiên cứu từ nhiều tháng qua và cuối cùng quyết định sẽ bắt ngay tại sàn nhảy mà người Việt ở Birmingham thường lui tới. Trong số các tang vật có ecstasy và ma túy loại A, cùng nhiều cần sa và các loại thuốc và bột chưa có thời giờ xét nghiệm. Trong số những người bị bắt giam có 6 phụ nữ và nhiều người đang trên danh sách truy nã của cảnh sát West Midlands, Wales, Derbyshire, Greater Manchester, Yorkshire và London. http://www.west-midlands.police.uk/np/Birminghamwestandcentral/news/newsitem.asp?id=10729

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Bo noi vu mo chien dich lung bat can sa

Biên phòng và Cảnh sát Anh hợp tác diệt cần sa http://www.youtube.com/watch?v=qu0wpfFzJXg Liverpool là thành phố nổi tiếng của Anh không chỉ vì là nơi xuất thân của ban nhạc The Beatles hay vì cộng đồng người Hoa lâu đời và các món ăn Tàu đặc sắc còn lưu hương vị từ ngày xưa, mà còn là vì là nơi tiêu thụ cần sa lớn kéo theo một hệ thống trồng loại cây bất hợp pháp này để cung cấp cho thị trường tại chỗ. Đây là “nghề” đặc thù của người Việt ở Anh cho nên mỗi chiến dịch đều kéo theo một loạt người Việt bị bắt và tạo ra hình ảnh cùng ấn tượng xấu về người Việt Nam ở Anh. Giữa tháng 11 vừa qua trên 150 nhân viên công lực đã ập vào trên một chục địa điểm khác nhau để phá vỡ một mạng lưới trồng cần sa thuộc loại lớn nhất từ trước đến nay. 13 người Việt bị bắt giam và 11 người bị khởi tố cùng lượng cần sa trị giá trên 1 triệu bảng Anh là kết quả đầu tiên của một chiến dịch đặc biệt đã được Cục xuất nhập cảnh UKBA cùng Cảnh sát Merseyside ở Liverpool huy động đặc biệt và tổ chức theo dõi suốt từ 12 tháng trước. Trước hết, cần sa là một trong những tên gọi của loại cây có chứa chất gây nghiện xếp loại B ở Anh. Người Việt gốc Hoa còn gọi cây này là tài mà. Tên chính thức tiếng Anh là cannabis, nhưng cũng có tên gọi phổ biến là Marijuana (đọc là Ma-ri-hoan-na) như thời hippie thập niên 1960s ở Mỹ. Tiếng lóng đường phố còn gọi là cỏ - grass, và người Việt cũng gọi đây là nghề “trồng cỏ”. Đây là một loại cỏ đặc biệt cần được chăm sóc đặc biệt vì thu hoạch xong mỗi một gốc “cỏ” này đem bán trên thị trường sẽ là 500 bảng (trên 2.500zl hay gần 20 triệu đồng tiền Việt), chia ra thành từng gói nhỏ bằng cân tiểu ly. Trong bài học lịch sử nhiều bạn chắc còn nhớ giai đoạn lính Nhật bắt nông dân Việt Nam nhổ lúa trồng cây đay – đó cũng là tên hay chính xác hơn là một biến thể khác của cây cần sa, ngoài chức năng gây nghiện giảm đau còn là giống cây công nghiệp tốt để sản xuất giấy và các loại sản phẩm quốc phòng. Một số vùng ở Việt Nam tiếp tục trồng loại cây này để băm ra trộn với thức ăn nuôi heo, vừa tạo chất xơ giúp heo dễ tiêu hóa vừa có tác dụng gây nghiện kích thích heo ăn nhiều mau tăng trọng. Làm vườn – gardener trông coi xưởng trồng cỏ công nghiệp – cannabis factory là nghề thích hợp với rất nhiều lao động phổ thông Việt Nam, sẵn sàng chịu cực sống trong điều kiện nhà cửa mà theo mô tả của các cảnh sát tham gia chiến dịch với tờ báo địa phương Liverpool Echo là như chuồng thú và không người Anh nào có thể sống nổi trong đó. Chỉ riêng mùi đậm đặc của cây lúc trổ hoa đã đủ để tạo ra đủ các thứ bệnh đường hô hấp và thậm chí phản ứng của dạ dày. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tự bước vào ngành trồng cỏ nếu không có kiến thức đặc biệt về công nghệ trồng cây này, kể cả nếu đã nhiều năm cực khổ làm thuê trong vị trí làm vườn. Là giống cây từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ nên cần sa cần ánh sáng mặt trời chói chang không chỉ của vùng nhiệt đới như Việt Nam mà còn hơn vậy, vì mặt trời miền nam bán cầu mạnh hơn bắc bán cầu. Tâm điểm của xưởng cần sa là hệ thống đèn mặt trời chiếu sáng liên tục và nếu trả tiền điện quá nhiều thì không chỉ là không còn lãi mà sẽ dễ bị phát hiện vì mức tiêu thụ quá cao. Vì vậy mà tất cả các xưởng cần sa đều ăn cắp điện và muốn sửa lại đường dây thì cần phải có kiến thức ngành điện và chuyên môn cao. Thế nhưng nếu căn hộ có người ra vào mà hoàn toàn không tiêu thụ một chút điện nào mà vẫn có người ra vào thì cũng dễ bị sở điện lực thông báo cho cảnh sát đến kiểm tra. Một số nhà có sáng kiến sửa tầng gác mái để trồng một vườn nhỏ trên đó cải thiện thu nhập nhưng sở cảnh sát cũng có sẵn hệ thống tìm tia hồng ngoại do mức độ tiêu thụ điện và nhiệt độ phát ra đặt trên trực thăng tuần tra giao thông và sẽ nhìn thấy ngay lập tức để báo cho lực lượng dưới mặt đất đi kiểm tra. Ngoài ra mùi cần sa không thể nào mất ngay hoàn toàn nên rất dễ bị hàng xóm trong khu vực phát hiện và báo cho cảnh sát thông qua mạng lưới Neighbour Watch hay CrimesStopper. Tuy nhiên do số lượng người Việt trồng cần sa quá nhiều mà lực lượng cảnh sát và thời gian làm việc có hạn cho nên có thể mô tả chuyện trồng cỏ và bắt trồng cỏ như trò đùa giữa mèo với chuột chưa thấy có đà suy giảm mà còn mở rộng sang các nước đông Âu. Điểm qua báo cáo của cảnh sát Merseyside ở Liverpool bạn có thể sẽ choáng với con số các vụ bắt giữ trong một chiến dịch hồi đầu năm nay. Chỉ trong một tháng mà cảnh sát đã được lệnh khám 341 căn hộ, phát hiện thấy 211 địa điểm có trồng cần sa, bắt giữ trên dưới 150 nghi phạm, và thu giữ tổng cộng 17.722 cây cần sa ước tính trị giá khoảng 8.861.000 bảng Anh. Tính ra trong vòng North West trong vòng ba năm trở lại đây đã có trên 5.120 xưởng cần sa bị phát hiện với con số 345.000 cây ước tính giá khoảng 140 triệu bảng Anh. Tính ra ngành trồng cỏ chỉ riêng khu vực này đem lại chừng 560 triệu bảng Anh cho mạng lưới xã hội đen mà những người Việt không có giấy tờ hợp lệ ở đây thường giữ vai trò lao động phổ thông ở tầng thấp nhất và thường xuyên bị bắt. Mặc dù biết đây là việc làm trái phép và ngoài việc bị cảnh sát bắt còn rất nhiều rủi ro khác như từ bị cướp vào nhà trấn lột tiền hay cướp sản phẩm vừa thu hoạch xong cho đến thiệt mạng vì thanh toán băng đảng, rất nhiều người Việt vẫn tiếp tục gia nhập vào mạng lưới này. Một phần vì lợi nhuận quá hấp dẫn và một phần nữa cũng vì hình phạt chưa thực sự cao và triệt để. Một khu vườn cân sa loại nhỏ - hướng phát triển mới trong ngành trồng cỏ ở Anh. Trong diện tích một căn phòng nhỏ cải tiến lại từ nhà kho trên gác xép có thể trồng được 300 cây cần sa bán với giá 75.000 bảng cho mối lái Những người đã có quốc tịch Anh khi bị bắt và xử án thường là không cao lại chỉ cần ngồi tù đủ một nửa thời hạn là được ra. Khi ra tù sẽ được cấp nhà ở xã hội và chế độ lương thất nghiệp - vợ con được các tổ chức xã hội có trách nhiệm chăm sóc trong thời gian ngồi tù lẫn sau đó. Những người không có giấy tờ thì chỉ cần khai ít tuổi là được tạm thời cho ở lại đến khi đủ 18, được đi học và nhiều cơ hội còn được cấp thẻ định cư ở lại vĩnh viễn. Ngoài ra còn thêm vấn đề về nhận thức xã hội của người Việt Nam và gánh nặng nợ nần nơi quê nhà. Hiện tại chính phủ Anh mới chỉ dùng biện pháp hành chính chứ chưa chú ý đến các hình thức tác động bằng tuyên truyền vào cộng đồng người Việt để làm thay đổi quan niệm và hệ giá trị đạo đức giúp ngăn chặn phong trào trồng cỏ lan rộng, nhất là trong giai đoạn kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay. Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây lực lượng biên phòng Anh (UKBA) và cảnh sát bắt đầu phối hợp chặt chẽ hơn trong mục tiêu diệt trừ các mạng lưới trồng cần sa liên quan đến người Việt ở Anh. Nhân viên điều tra từ sở cảnh sát sang làm việc cùng với UKBA và ngược lại, chia sẻ thông tin để làm bằng chứng buộc tội và mở rộng điều tra, cũng như lên kế hoạch theo dõi và tổ chức các đợt truy bắt lớn để báo cáo thành tích, và nhất là tận dụng các nguồn tài chính còn dư ra từ ngân sách, cũng như lấy sự ủng hộ từ công chúng. Đây là điều mà các bạn đọc ở Việt Nam hay từ các nước đông Âu nên cân nhắc trước khi quyết định vượt biên hay bỏ nhiều tiền làm giấy tờ để nhập cảnh vào nước Anh, bởi vì trồng cỏ không phải là chuyện đùa giỡn hay nghề nghiệp hợp pháp mà là một tội danh nghiêm trọng theo luật pháp nước Anh. Mời bạn đón đọc thêm chi tiết và theo dõi các diễn biến tiếp theo trên báo Phương Đông số tháng 12, phát hành cùng lúc tại London, Warszawa và Berlin. Có thể hỏi mua ở các cửa hàng thực phẩm Việt Nam.

Chu y khi bi bat

Quyền im lặng khi bị thẩm vấn tại đồn cảnh sát Anh Một trong số những quyền của cảnh sát Anh là tạm giam 36 giờ đồng hồ và thẩm vấn có ghi âm để làm bằng chứng. Một trong số những quyền cơ bản nhất cả người bị cảnh sát Anh bắt giữ và tạm giam là "im lặng" trong suốt thời gian này, nhất là khi bị thẩm vấn đã được nhắc nhở/cảnh báo: Interview under caution. Trước hết, khi bị cảnh sát bắt vào đồn và đặc biệt là trước khi bị thẩm vấn làm bằng chứng bạn có quyền tư vấn với luật sư. Bất kể là nói chuyện qua điện thoại hay gặp trực tiếp thì hai người đều được nói chuyện riêng tư. Khu vực tạm giam ở đồn cảnh sát luôn có một phòng kính để đứng hoặc ngồi nói chuyện điện thoại với luật sư hoặc gia đình, cùng một số phòng đủ rộng để luật sư ngồi làm việc với thân chủ, và cả phiên dịch trong trường hợp cần thiết. Lúc bị bắt về đồn và đưa vào phòng giam bạn có quyền gọi điện thoại thông báo cho người thân biết mình đang ở đâu. Trong trường hợp thân nhân ở Việt Nam thì đồn cảnh sát thường không cho phép bạn gọi vì ngân sách không cho phép. Khi đó bạn có thể đề nghị được gọi bằng chính điện thoại cầm tay của mình vừa bị thu giữ hoặc dùng thẻ điện thoại quốc tế để tự chịu phí nước ngoài. Trong trường hợp bạn được gặp luật sư thì có thể nhờ luật sư báo cho người thân bằng điện thoại hoặc email. Nên nhớ rằng bất kể bạn có luật sư riêng để tư vấn hay không thì bạn luôn có quyền chọn một luật sư miễn phí vào giúp đỡ. Đây là luật sư độc lập đăng ký trên danh sách quốc gia và ăn lương của chính phủ làm việc theo vụ việc và giờ giấc. Mặc dù họ do cảnh sát gọi điện mời đến nhưng hoàn toàn độc lập với cảnh sát. Tương tự như vậy với phiên dịch. Bạn có thể yêu cầu phiên dịch qua điện thoại hoặc trong trường hợp gặp luật sư là đến tận nơi. Cần nhớ đây là quyền lợi của bạn khi bị cảnh sát bắt, bạn hãy đòi hỏi mà không sợ cảnh sát vì mất lòng mà tăng án của bạn, vì mỗi người làm phận sự của mình - người quản lý trại giam có nhiệm vụ mang cơm khi bạn đói, mang nước khi bạn khát và mang chăn khi bạn lạnh, mang quần áo tạm cho bạn thay, khám bệnh và cho thuốc (dù chỉ là thuốc giảm đau hay một số thuốc cơ bản) khi bạn ốm. Nếu bạn ốm nặng cần điều trị chuyên môn thì họ sẽ phải đưa bạn đến bệnh viện và nhất là nếu không thể thẩm vấn để thu thập chứng cứ và ra quyết định kịp thời trước hạn 36 giờ tạm giam thì họ sẽ phải thả bạn ra. Bạn cũng cần nhớ bài viết này không phải là hướng dẫn tư pháp, chỉ là một số thông tin để bạn có khái niệm và tìm hướng xử lý khi gặp rắc rối với cảnh sát. Lúc gặp chuyện thì bạn nên tìm đến tư vấn chuyên nghiệp và nhiều trường hợp là miễn phí như trang mạng https://claonlineadvice.justice.gov.uk/ Nhìn từ góc độ lịch sử thì chính nước Anh và hệ thống luật pháp dân chủ của Anh giữ vai trò quan trọng trong việc mở rộng quyền pháp lý cơ bản này của người bị cảnh sát bắt giam ra toàn thế giới, trước hết là những nước từng có dấu chân thực dân Anh trong quá khứ như Mỹ, Canada, Úc và ngay cả Singapore hay Hồng Kông và Miến Điện ở Đông Nam Á. Một số nước nằm ngoài vùng văn hóa tiếng Anh cũng có điều lệ qui định quyền im lặng của công dân như ở Cộng hòa Czech, theo Công ước về các quyền cơ bản và tự do cơ bản. Điều 37 khoản 1 nói rằng “tất cả mọi người có quyền từ chối phát biểu nếu làm như vậy sẽ khiến cho chính bản thân hay người thân bị khởi tố”. Điều 40 khoản 4 nói thêm rằng “một người bị cáo buộc có quyền từ chối bình luận, và không thể tước quyền này trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Tòa án nhân quyền châu Âu cũng coi đây là thông lệ quốc tế. Tuy nhiên chính tại nước Anh thì nghi phạm bị mất quyền im lặng trong các vụ án khủng bố, và các vụ án do văn phòng chuyên về các vụ lừa đảo nghiêm trọng Serious Fraud Office (SFO), tức là một ủy ban độc lập của chính phủ Anh chuyên điều tra tham nhũng theo quyền lực của Luật chống hối lộ vừa ban hành năm 2010. Bạn cũng cần chú ý đến những biển cảnh báo khi bước vào đồn cảnh sát, rằng họ có đặt máy quay phim và ghi âm ở khắp nơi – lưu trữ trong 31 ngày, cho nên những gì bạn nói và làm có thể dùng làm bằng chứng chống lại bạn. Thường khi thấy bạn có nguy cơ sớm bị buộc tội thì luật sư Anh sẽ khuyên bạn “không bình luận”, tức là nói câu No Comment khi cảnh sát hỏi, chứ không hoàn toàn im lặng. Nhưng cảnh sát cũng tìm cách hỏi vớ vẩn để bạn vô tình phá vỡ sự “im lặng”. Và quan trọng hơn, họ có thể tìm hiểu được nhiều chuyện thông qua giọng nói cao thấp thể hiện cảm xúc cũng như dáng điệu cử chỉ của bạn.

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Vu an can sa ky luc

Sau 1 năm theo dõi, cảnh sát Liverpool vừa cất mẻ lưới bắt gọn một hệ thống trồng cần sa và bắt giữ 13 người Việt. Lúc 7h sáng trên 150 nhân viên từ sở cảnh sát Merseyside và cục xuất nhập cảnh cùng đột nhập vào hàng chục địa điểm khác nhau để bắt giữ và khám xét. Báo chí địa phương được cảnh sát cho đi cùng đến Gilroy Street ở Kensington và chụp ảnh cảnh sát vũ trang từ 5 chiếc xe cùng lúc ập vào ba căn hộ trên đường và tìm thấy một người đàn ông trốn trên gác mái. Read More http://www.liverpoolecho.co.uk/liverpool-news/local-news/2012/11/08/merseyside-police-vietnamese-drug-farm-raids-see-13-arrested-and-1m-cannabis-seized-100252-32191737/#ixzz2BghHAhdj http://www.liverpoolecho.co.uk/liverpool-news/local-news/2012/11/08/merseyside-police-vietnamese-drug-farm-raids-see-13-arrested-and-1m-cannabis-seized-100252-32191737/2/ Ngoài ra họ còn khám xét các trại cần sa ở Molyneux Road, Sheil Road, West Derby Road, Tuebrook, Ruskin Street, Smeaton Street, ở Kirkdale, and Cecil Road, Seaforth, đều là những nơi có nhiều người Việt sống. Sĩ quan cảnh sát Paul Roche là người lãnh đạo toàn bộ chiến dịch này, cho biết mỗi một địa điểm vừa nêu chứa lượng cần sa trị giá hàng trăm ngàn bảng Anh. http://www.merseyside.police.uk/news/latest-news/2012/04/11/nearly-%C2%A39million-worth-of-cannabis-plants-seized.aspx

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

LUÂN ĐÔN – CÁNH ĐỒNG RƠM BẤT TẬN

LUÂN ĐÔN – CÁNH ĐỒNG RƠM BẤT TẬN Tại sao lại là rơm? Rơm không có diện mạo, dù nhan nhản, đến độ người ta coi nó là tầm thường, đến độ người ta quên. Nhưng không có nghĩa nó không ở đó. Điều này bỗng dung gây một liên tưởng lạ lùng về thành Luân Đôn, nơi tập trung 70% dân số “rơm” toàn Anh quốc (412.000 trên 648.000 số liệu 2007), có lẽ cũng giống như cách đây hơn nửa thập kỷ là cách mà Nguyễn Ngọc Tư yêu cái bao la rợn ngợp của những đồng lúa, ụ rơm ở miền Tây Việt Nam xa xôi mà khắc họa lại những mảnh đời nhỏ bé, nổi trôi trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng Cánh Đồng Bất Tận. Ai là Người Rơm? Đối tượng rộng lớn đươc đề cập trong ngữ cảnh bao gồm từ dân nhập cư bất hợp pháp, thường trú nhân bất hợp pháp, thường trú nhân làm việc trái quy định thị thực, tị nạn chính trị. Các con số cũng “rơm” (tạm chưa nghĩ ra tính từ thích hợp hơn), vì chưa có gì chính thức, nhiều đấy nhưng rất dễ lẫn khuất, là bỏ quên, là “guesstimation”. Trẻ con rơm, nghe sao mà thương, nhưng cũng được liệt trong dạng thường trú nhân bất hợp pháp vì có cha mẹ là người rơm. Vậy được và mất gì với bài toán nhân quyền, xã hội, chính trị và “thời đại” này? Trước và trên hết là ích lợi cho nền kinh tế bản địa. Thu nhập có cơ hội tăng từ việc có giấy tờ chính thống, pháp luật bảo vệ, nguồn thu mới từ lực lượng lao động này, góp vào đầu ra thêm 3 tỉ bảng Anh mỗi năm (0.2%GDP Anh Quốc). Tận dụng năng suất lao động của nguồn nhân công dồi dào, trọng dụng tinh hoa chất xám từ cộng đồng đa dạng sắc tộc này. Theo mạch suy nghĩ trên, một cá nhân sẽ tăng 15% tổng thu nhập cá nhân (£1450/năm cho người lao động thường) góp vào £846 triệu bảng cho quỹ thuế. Tuy nhiên trước cái “được” đó, cái hoa lợi đó phải bảo toàn, cân đối được những chi phí tưởng như không tên nhưng sức mạnh cộng hưởng là nặng nề: nhà ở, phúc lợi an sinh xã hội cho lượng công dân mới từ già tới trẻ, phí hành chính, trong đó phí cho dịch vụ công vào khoảng £40 triệu bảng và tổng số còn lại làm tròn con số £1 tỉ bảng/năm. Trong khoảng chi phí cho dịch vụ công, con số thật có lẽ không đáng gây giật mình như ước tính bởi lẽ, Người Rơm dù được thừa nhận hay chưa, cũng đã và đang là một phần tử của cuộc sống hàng ngày và sử dụng những dịch vụ như thư tín, phương tiện công cộng, cơ sở hạ tầng, khuôn viên, quy hoạch… thậm chí dịch vụ đặc biệt như cấp cứu còn có thể giảm tải do lượng công dân có giấy tờ sẽ giảm thiểu trở thành nạn nhân của những vụ phạm tội hoặc chậm trễ về y tế do e ngại vấn đề nhân thân. 2 con số về y tế và nhà ở có lẽ nhận được tranh cãi nhiều hơn. NHS thống kê ngược lại luận điểm Người Rơm với giấy tờ sẽ cắt giảm chi phí thước thang hơn, mà cho rằng những chi phí không thể tránh của dịch vụ thai sản, chăm sóc ung thư, A&E cũng cao hơn chi phí GPs nhiều. Tổng chi phí cho nhà ở tạm thời sẽ đóng băng cho đến khi NR được cấp quyền định cư vĩnh viễn (ILR), người bi quan cho rằng chi phí này sẽ càng tăng với lượng người đủ chuẩn nhập tịch ngày càng nhiều, để đáp ứng nhu cầu cho những hộ dân có thu nhập mức dưới trung bình, vô gia cư hoặc giải quyết danh sách chờ dài dằng dặc cho việc phân/cấp nhà ở công. Về lâu dài chi phí cho những việc này, bao gồm phí quản trị sẽ rất đáng kể. Sau khi nhận được những hỗ trợ trên, đương nhiên chất lượng cuộc sống được gia tăng cho cá nhân NR và cộng đồng quanh họ. Thái độ hợp tác với nhân viên công vụ, ý thức chấp hành luật lệ và tỉ lệ phạm tội hoặc tai nạn lao động do không được bảo hộ được kỳ vọng sẽ theo đó giảm đi. Chi phí hành chính giảm bớt đặc biệt là với Cục biên phòng trong công tác rà soát, sự thụ hưởng chung của cộng đồng từ những đóng góp phong phú của NR nếu không muốn nói sự bỏ qua này nếu có, là thiệt thòi đáng kể. Sau khi cung cấp câu trả lời thì một câu hỏi nảy sinh là liệu chính sách này đang để ngỏ cửa cho các trường hợp nhập cư lậu? Các tài liệu cung cấp dẫn chứng và bài học kinh nghiệm phần nhiều nêu trường hợp người Mexico sang Mỹ, tuy nhiên các liên tưởng về tình hình thực tế với nước Anh lại có vẻ không đúng. Nói đúng và công bằng hơn đây là dũng khí nhìn thẳng vào một vấn đề nhạy cảm và đưa ra hướng giải quyết khi khó tránh được đường vòng. Cũng không nhằm làm khó Cục biên phòng do địa thế nước Anh độc lập và tránh được trường hợp nhập cư xuyên biên giới “qua lưới thưa” dễ dàng như các nước lục đại chia sẻ nhiều mặt biên giới với nhau. Tuy vậy, ngay cả khi cân đo đong đếm được-mất trên rất nhiều khía cạnh, “Path to Citizenship” vẫn chỉ mới là 1 công cụ chưa vẹn toàn, chưa thể bầu chủ, bao hàm công bằng cho NR với 4 “Tier” khô khan và gắt gao với những yêu cầu về kỹ năng, bằng cấp và đặc biệt là tiếng Anh mà NR rất cần nhưng chưa được tiếp cận đủ. Cũng cần lưu ý rằng những khu vực lao động không đòi hỏi trình độ cao, vẫn luôn được ưu tiên cho công dân các nước khối EU. Một khi tình trạng giấy tờ vẫn không được hoàn chỉnh dưới sự hỗ trợ của chính sách mới, khó tránh NR cảm thấy bị gạt ra lề hơn nặng nề hơn trước. Vậy thì câu hỏi không phải có nên đồng ý bắt tay vào thử thách hay không, mà là 1 sự khẳng định đã có 1 cuộc hội thoại kéo dài, đã có nhiều tôn trọng, nhìn nhận từ phía nhà chính sách với rất nhiều dữ kiện sinh động tác động tích cực hơn đến những thái độ và hành động cần có trong cuộc chiến thầm lặng nhưng kéo dài này. Ngoài việc đợi chờ và hy vọng, NR cần lắm những tiếng nói nhân quyền tha thiết bảo hộ cho họ, để tác động lan xa hơn nữa. Những bài viết tiếp theo cung cấp thêm cái nhìn và bài học kinh nghiệm quốc tế về nhập cư không giấy tờ (NR), xét những mặt hại chắc chắn từ việc không có hành động giúp NR và những tranh cãi về nhân quyền xung quanh việc đối xử với các trường hợp NR.